Chương trình an sinh xã hội mới của Indonesia, hướng tới mục tiêu tiếp cận nhiều chục triệu người dân nghèo ở đất nước “vạn đảo”, được cho là lớn nhất trên thế giới hiện nay xét về quy mô. Những người “cận nghèo”Imas, bà mẹ của 5 đứa con, không chắc chắn mình sinh ngày tháng năm nào, nhưng cô nghĩ mình khoảng 35 tuổi. Xác minh tuổi của Imas là điều không thể vì cô không có giấy khai sinh, thậm chí xác định tên Imas cũng vô cùng rắc rối vì cô không có chứng minh nhân dân.
Tổng thống Joko Widodo (phải) trao thẻ an sinh xã hội của chính phủ cấp cho người dân. |
Giống như nhiều người Indonesia nghèo khác, Imas tự chọn một cái tên cho mình. Hai năm trước, căn nhà của cô bị thiêu rụi sau một vụ nổ ở công trình xây dựng gần đó. Hiện Imas sống trong một ngôi nhà dựng bằng ván ép phế liệu dưới chân cầu vượt bắc qua sông Ciliwung ở thủ đô Jakarta.
Ngoài công việc thu gom rác tái chế với thu nhập khoảng 600.000 - 900.000 rupiah (49 - 74 USD)/tháng, Imas còn phải nhờ cậy vào khoản tiền 50.000 rupiah (4 USD) của con trai làm nghề “nghệ sĩ đường phố” mang về hàng ngày.
Vừa bóc nhãn một chai nước rỗng, Imas vừa hướng mắt về đống rác chất dọc bờ sông Ciliwung và nói: “Các con tôi được một tổ chức nhân đạo hỗ trợ. Cũng là việc tốt. Họ trả tiền cho con tôi đi học. Hàng tháng tôi vẫn được gặp chúng vài lần”. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo thu nhập, Imas được xếp vào hạng “cận nghèo”.
Imas, người phụ nữ có 5 đứa con, không biết tuổi của chính mình. Cô được xếp vào hạng “cận nghèo” ở Indonesia. |
Hoàn cảnh của Imas và 100 triệu người Indonesia có mức sống 1 - 2 USD/ngày có thể còn trở nên tồi tệ hơn do việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu tới 30% được Tổng thống mới đắc cử của Indonesia Joko Widodo công bố hồi cuối tháng 11.
Chương trình trợ giá nhiên liệu phần lớn có lợi cho các tầng lớp trung và thượng lưu của Indonesia, sẽ tiêu tốn của nước này khoảng 21 tỷ USD trong năm nay. Chính phủ nước này phải chuyển hướng nguồn ngân sách đầu tư vào các dự án cảng, đường sá và năng lượng thiết yếu hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá nhiên liệu tăng cao sẽ đẩy giá của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm.
Chương trình phúc lợi mớiĐể giảm thiểu tác động của kế hoạch tăng giá xăng dầu đối với người nghèo, Chính phủ Indonesia trong tháng 11 đã khởi động chương trình mang tên Phúc lợi gia đình hiệu quả (PSKS), bao gồm ba loại thẻ an sinh xã hội mới: Thẻ gia đình thịnh vượng (KKS), thẻ y tế Indonesia (KIS) và thẻ thông minh Indonesia (KIP). Chương trình hỗ trợ này được chính quyền của ông Widodo kỳ vọng sẽ tiếp cận được 15,5 triệu người Indonesia nghèo nhất và được WB đánh giá là “nỗ lực cải cách xã hội lớn nhất trên thế giới hiện nay”.
Trên thực tế, loại hình thẻ tương tự đã được ông Jokowi (tên gọi thân mật của Tổng thống Indonesia) ban hành từ khi còn là thị trưởng Jakarta, trong đó có thẻ y tế và giáo dục cho người nghèo Jakarta. Tuy nhiên, chương trình phúc lợi mới bao gồm gói 3 thẻ đi kèm một thẻ SIM điện thoại di động kết nối với một tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Nhà nước Mandiri. Qua đó, chính quyền Indonesia kỳ vọng mỗi tháng 200.000 rupiah (khoảng 16,50 USD)/tháng sẽ đến tay hàng chục triệu hộ gia đình nghèo, không nhà cửa để giảm bớt các tác động của kế hoạch tăng giá xăng dầu. Người thụ hưởng có thể lĩnh tiền tại các chi nhánh ngân hàng và bưu điện theo quy định.
Nếu thành công, hệ thống mới này sẽ trở thành chương trình phúc lợi xã hội dưới ngân sách chính phủ có quy mô lớn nhất thế giới, hơn cả Bolsa Familia của Brazil - một chương trình tương tự hỗ trợ cho 12 triệu hộ gia đình từ khi được khởi động năm 2003.
Các mục tiêu của chính phủ Indonesia, bao gồm tiếp cận đến hàng chục triệu đối tượng nghèo, đảm bảo 12 năm học miễn phí, chăm sóc y tế tới năm 2019, là rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, hệ thống này đang phải đối mặt với những thách thức lớn, mà trước hết là tăng cường nhận thức cộng đồng.
Câu hỏi tồn tại Imas chưa từng nghe nói về các chương trình mới, kể cả thẻ y tế Jakarta, một chương trình thí điểm của khu vực ra mắt từ hai năm trước. Cũng giống như hàng triệu người Indonesia không có giấy tờ, Imas tin là mình không thể tiếp cận các sáng kiến này khi không thể chứng minh danh tính của chính mình.
Thách thức đối với chính quyền mới của Indonesia là thực sự cung cấp được các dịch vụ hứa hẹn thông qua các thẻ an sinh xã hội mới, đặc biệt là ở các tỉnh miền đông xa xôi.
Nhà kinh tế hàng đầu tại WB Indonesia Cristobal Ridao - Cano nói: “Do nhu cầu về các dịch vụ này, cả y tế hay giáo dục, đang gia tăng, chính phủ phải đảm bảo rằng tất cả người nghèo ở Indonesia đều tiếp cận được các dịch vụ này”. Theo ông Ridao - Cano, việc thực hiện những lời hứa về cải cách giáo dục sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của chính phủ.
“Indonesia hiện có 8,5 triệu trẻ em ở độ tuổi tới trường nhưng không được đi học, vì thế chỉ xét tới việc trang bị cho các trường học đó thêm các lớp học và bàn ghế học sinh, mà chưa xét tới chất lượng, đã là một khoản đầu tư khổng lồ”, ông Ridao - Cano nhận định.
Trong giai đoạn 2003 - 2010, chi tiêu của giới giàu nhất ở Indonesia (chiếm 20% dân số) đã tăng 5,9%, trong khi con số này ở các hộ gia đình nghèo (chiếm 40% dân số) chỉ tăng 1,3%.
Hệ số GINI, thước đo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân của Indonesia là tương đương với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn, ở mức 0,41 trong năm 2013; tăng đáng kể từ mức 0,29 trong năm 2000.
Bất chấp số lượng người Indonesia có mức sống dưới 1,25 USD/ngày trong giai đoạn 1990 - 2005 đã giảm một nửa, trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã gia tăng và cao hơn các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, hiện có hơn 37% số lượng trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còi cọc, dẫn tới kém phát triển não bộ. Con số này tăng từ 28,5% năm 2004.
Trong những năm vừa qua, hàng triệu người Indonesia đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, để người nghèo Indonesia có thể vươn tới mức sống cao hơn nữa, chính phủ nước này sẽ phải đảm bảo những người nghèo, hay “cận nghèo” như Imas, không bị “bỏ quên” trong câu chuyện tăng trưởng của đất nước “vạn đảo”.
Hạnh Nhân (Theo Aljazeera)