IS bắt đàn ông Mosul phải rậm râu

Đàn ông con trai ở thành phố Mosul (Iraq) hễ bước chân ra đường những ngày này đều không khỏi thấp thỏm lo sợ vì thứ luật “rậm râu” kì quái mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự dưng mới đưa ra.

"Rậm râu" là quy định bắt buộc với đàn ông Mosul từ ngày 1/6.


Bất cứ khi nào nhìn vào một tấm gương, Laith Ahmed lại giật mình lo lắng. Bởi kể từ ngày 1/6, chiếc cằm nhẵn râu có thể trở thành lí do để cậu thanh niên 18 tuổi người Iraq bị tống vào nhà tù của nhóm khủng bố khét tiếng giết người không ghê tay IS. 

Tại thành trì Mosul của lực lượng khủng bố này, nhiều tuần qua truyền đơn đã được rải đi mang theo thông điệp: kể từ ngày 1/6, việc để râu rậm là bắt buộc, đồng thời cũng đưa ra lí do giải thích vì sao cạo râu lại có thể bị trừng phạt. Nội dung của tờ truyền đơn “bắt rậm râu” của IS có đoạn: “Những thứ mà thợ cắt tóc làm ngày nay, gồm việc cạo và tỉa râu của đàn ông, là một hành vi phạm tội. Cám ơn những người anh em từ IS, một mệnh lệnh đã được ban ra để cấm việc cạo râu và bắt giữ những kẻ vi phạm”.

“Ở tuổi này, râu của tôi mọc chậm. Tôi thấy sợ hãi bởi vì chúng đối xử tàn nhẫn với bất kì ai chống đối hay phớt lờ hướng dẫn của chúng. Tôi thì làm việc ở một tiệm bánh, điều này có nghĩa tôi phải rời nhà mỗi ngày và giáp mặt các tay súng IS”, cậu thanh niên giấu tên thật cho biết.

Trong khi đó, theo Nadhim Ali, một lái xe taxi 30 tuổi sống ở phía đông thành phố, ông chưa bao giờ có thể nuôi râu hay thậm chí là để ria mép vì mẩn ngứa trên da. Mặc dù ông đã nộp chứng nhận y tế về vấn sức khỏe cho IS, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. “Chúng không quan tâm… Một người trong số chúng bảo tôi tôi tốt hơn là nên ngồi nhà nếu cạo râu”.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan này, ông Ali cho biết chỉ còn cách duy nhất là lựa chọn. “Để bảo đảm cuộc sống của gia đình, tôi có thể chọn giữa việc hoặc ốm đau hoặc liều mình với đòn roi hay bị bắt giữ”, Ali nói.

Là thành phố lớn thứ hai của Iraq, Mosul từng có khoảng 2 triệu dân trước khi các tay súng IS tấn công vào thành phố này một năm trước và biến nơi đây thành trung tâm chính của chúng. Không giống như những thành phố khác từng bị IS càn quét ở Iraq, ở thành phố Mosul vẫn còn một lượng lớn dân thường sinh sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc triển khai các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu gặp khó khăn.

IS đã biến Mosul thành một thành phố thí điểm để triển khai xây dựng nhà nước của chúng. Tại đây, IS nắm trong tay tất cả mọi quyền hành, từ việc lập ra một pháo đài quân sự, điều phối các hoạt động giáo dục cho đến giờ mở cửa của các cửa hàng.

Ngoài thứ quy định “rậm râu” kì quái, người dân Mosul còn như bị mắc kẹt trong thành phố của chính họ bởi những thứ luật lệ khác. Bất kì ai muốn rời thành phố cần sự cho phép của IS và phải có giấy tờ chứng minh sở hữu, thường là với một loại tài sản hay một chiếc xe mới. Trong trường hợp không trở lại đúng thời hạn, món tài sản trên sẽ bị IS tịch thu.

Ở Afghanistan, lực lượng Taliban có một dạng “đội tuần tra râu rậm” có thể tống đàn ông vào ngục từ 3 ngày đến một tuần nếu họ tỉa râu. Nhưng theo những công dân của Mosul, phía sau thứ chính sách “rậm râu” còn hà khắc hơn mà IS đã lập ra là cả một thủ đoạn.

“Tất cả chúng tôi biết IS đang cố đạt được điều gì với những đạo luật không thể chấp nhận này về việc phụ nữ mang khăn trùm và đàn ông để râu rậm. Chúng muốn biến mọi người thành lá chắn sống… Với các cuộc tấn công quân sự [nhằm chiếm lại Mosul] đang tăng lên, chúng muốn lẩn vào trong dân thường”, một giáo viên cung cấp cái tên Umm Mohammed đánh giá.

Một cựu thành viên của lực lượng an ninh vẫn sống ở Mosul cũng có cùng quan điểm. Theo người này, các tay súng IS hạn chế phô trương thanh thế trong những tháng gần đây. “IS sử dụng những chiếc xe không được đánh dấu của thường dân. Chúng vứt bỏ những chiếc xe quân sự và cờ quạt. Luật mới về việc để râu rậm là cùng mục đích. Chúng muốn trà trộn trong dân thường”, ông nói.



Anh Tiếu (Theo AFP)
Lý do khiến IS cứ mạnh lên, khó bị đánh bại
Lý do khiến IS cứ mạnh lên, khó bị đánh bại

Những bước tiến gần đây của IS đang làm dấy lên một loạt câu hỏi, trước hết là liệu có nhân tố nào tiếp tay để tổ chức cực đoan này giành nhiều thắng lợi như vậy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN