Theo IAA, hội trường lớn này đã tồn tại từ cách đây hai thiên niên kỷ và là một phần trong quần thể khảo cổ lớn mang tên "Những đường hầm tại bức tường phía Tây trong Thành cổ".
Những phát hiện tại đây cho thấy hội trường này bao gồm một đài phun nước được xây dựng một cách tinh xảo, cùng những phòng tẩy uế theo nghi thức rất ấn tượng nằm dưới lòng đất. Giới chuyên gia cho rằng hội trường này có thể là nơi tổ chức các bữa tiệc hoặc các cuộc họp mặt của giới tinh hoa địa phương, hay là nơi giới chức sắc thường ghé thăm. Vị trí của hội trường này - gần Núi Đền, địa điểm linh thiêng nhất của đạo Do Thái - cũng góp phần cho thấy đây là một nơi có tính chất quan trọng trong xã hội thời bấy giờ.
Chuyên gia cấp cao của IAA - nhà khảo cổ Shlomit Weksler-Bdolah đánh giá: "Đây là một tòa nhà rất tráng lệ, một trong những công trình nguy nga nhất các tòa nhà mà chúng ta biết đến từ thời kỳ Ngôi đền thứ hai (515 trước Công nguyên - 70 Công nguyên)".
Theo bà Weksler-Bdolah, những phát hiện mới về hội trường nói trên có thể giúp làm sáng tỏ những dấu ấn cai trị tại Jerusalem của các thời kỳ lãnh đạo trước đây. Trong khi đó, ông Mordechai Soli Eliav - Chủ tịch của Quỹ Di sản Bức tường phía Tây, cho biết các phát hiện tại đây sẽ tiếp tục "minh họa sự phức tạp trong cuộc sống của người Do Thái" vào thời điểm đó.