Công trình xây dựng tháp năng lượng tại Negev. Ảnh: Reuters
|
Theo chính phủ Israel và tập đoàn Megalim quản lý dự án xây dựng, tháp Ashalim dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2017 sẽ cao 240 mét, cao hơn so với tháp Montparnasse ở thủ đô Paris (Pháp) và tháp Gherkin tại thủ đô Luân Đôn (Anh). Toàn bộ tháp được "bọc" bằng thép không gỉ, với đỉnh tháp giống như một ngọn hải đăng khổng lồ có thể nhìn thấy từ cách xa hàng chục km. Từ chân tháp, các tấm pin năng lượng bao phủ một diện tích 300 ha, có thể tiếp nhận và phản chiếu ánh nắng lên đỉnh tháp, tới vị trí gọi là "nồi hơi" trông giống như một bóng đèn khổng lồ. Tại đây, nhiệt độ sẽ lên tới 600 độ C, tạo ra hơi nước và được truyền xuống chân tháp để sản xuất thành điện.
Theo Giám đốc Tập đoàn Megalim, Eran Gartner, các kỹ sư đã phát triển bộ điều khiển thông qua hệ thống Wifi của tòa tháp và sử dụng những công nghệ mới nhất như năng lượng hơi nước, tua bin hơi nước và máy phát điện của hãng General Electric. Ngoài ra, các kỹ sư cũng thiết kế một nơi tích nhiệt vào những lúc không có ánh nắng mặt trời. Theo người đứng đầu Hiệp hội Năng lượng Sạch của Israel, Eitan Parnass, thiết bị tích nhiệt này là "cú húych lớn" trong công nghệ xây tháp năng lượng mặt trời, mở đường cho việc sử dụng nguồn năng lượng này trên quy mô lớn ở Israel.
Dự kiến, tháp Ashalim sẽ cung cấp 121 megaoat điện, đáp ứng 2% nhu cầu sử dụng điện của Israel. Công trình có chi phí ước tính lên tới 500 triệu euro (khoảng 570 triệu USD) do hãng General Electric của Mỹ, công ty Alstom của Pháp và quỹ đầu tư tư nhân Noy của Israel tài trợ.
Israel hiện đang nỗ lực sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu đáp ứng 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng của nước này vào năm 2020.