Italy đau đầu vì nạn bạo hành phụ nữ

Từ đầu năm đến nay, Italy đã có 76 vụ phụ nữ bị giết hại bởi những người đàn ông mà họ đã từng yêu, từng chung sống, từng có con cái. Quốc hội Italy một lần nữa lại đứng trước những thách thức mới về việc làm luật nhằm ngăn chặn những thảm kịch tiếp tục xảy ra.

Những con số đáng sợ

Trong một thập kỉ qua, số phụ nữ bị giết ở Italy là 1.740 nạn nhân. Hai nạn nhân mới nhất bị giết vào đầu tháng 8. Một nữ y tá ở bệnh viện Lucca, miền trung Italy, bị người tình hắt một can xăng vào người và châm lửa đốt. Một người vợ ở Caserta, miền nam Italy, bị chính chồng giết chết. 

Những con số của Cơ quan Thống kê Nhà nước Italy (ISTAT) đã nói lên vấn đề của một quốc gia phương Tây văn minh nhưng tình trạng bạo hành phụ nữ rất phổ biến: 6,78 triệu phụ nữ Italy tuổi từ 16 đến 70 (tương đương với 31,5% số phụ nữ trong độ tuổi này) chịu ít nhất một lần trong đời bạo hành về thể xác (20,2%) hoặc tình dục (21%). 5,4% các trường hợp là bị hiếp dâm hoặc bị đe dọa hiếp dâm và 62,7% các vụ này là do người chồng hoặc người tình hiện tại hoặc người tình cũ thực hiện. 10,6% phụ nữ Italy nói họ đã bị bạo hành trước tuổi 16. 

Tuần hành chống bạo lực với phụ nữ tại Italy.

Nhiều trẻ em phải chứng kiến cảnh mẹ bị bạo hành, thậm chí bị bố ép phải hỗ trợ thực hiện các hành vị bạo lực với mẹ. Chúng chính là những nạn nhân gián tiếp của nạn bạo  hành phụ nữ. Trong 15 năm qua, 1.629 trẻ đã mồ côi mẹ vì tội ác của bố. 

Những cuộc tranh luận đã nổ ra sau hai cái chết mới nhất ở Lucca và Caserta. Chủ tịch Hạ viện Italy, bà Laura Boldrini, đã viết trên Twitter rằng, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực chết chóc này với phụ nữ không chỉ ở khía cạnh luật pháp và dành cho các trung tâm chống bạo lực với phụ nữ, mà cần chính nạn nhân phải tham gia. Họ phải tố cáo hành vi bạo lực đối với mình. Mặc dù số trường hợp tố cáo các hành vi bạo lực với phụ nữ đã tăng lên trong thời gian qua, 11,8%, nhưng trên thực tế, con số này vẫn còn quá thấp. Gần 90% số vụ bạo hành bị giấu trong bốn bức tường. 

Cuộc chiến khó khăn

Theo bà Denise Insigne, Giám đốc trung tâm hỗ trợ phụ nữ ở Reggio Calabria, thủ phủ vùng Calabria, phụ nữ, nhất là phụ nữ nước ngoài lấy chồng Italy, không dám tố cáo chồng vì sợ sẽ mất quyền nuôi con nếu như ra tòa. Gia đình người chồng sẽ bảo vệ anh ta để không mất thể diện. Trong một số trường hợp, người phụ nữ bị bạo hành bỏ trốn hoặc tố cáo còn chịu các vụ bạo lực nặng nề hơn nếu chồng hoặc người tình là tội phạm hoặc mafia. 

Italy không còn án tử hình và hình phạt cao nhất cho tội giết người là chung thân dường như không có tính răn đe bởi chỉ có rất ít thủ phạm phải chịu mức án này. Ngay cả khi người phụ nữ tìm cách thoát khỏi bạo hành thì con đường đến bình yên còn rất xa, do các thủ tục tố tụng ở Italy rất phiền hà và thường là các vụ án luôn kéo dài, với khoảng thời gian từ 8 đến 10 tháng là nhanh nhất cho các vụ dân sự và hình sự. 

Trong thời gian tố tụng ấy, nhiều người phụ nữ vẫn tiếp tục bị theo đuổi đe dọa và bạo hành, thậm chí giết hại. Chưa hết, nếu người phụ nữ có con dưới 4 tuổi, các vụ kiện có thể kéo dài đến 4 năm. Theo ông Claudio Foggetti, phụ trách một trung tâm bảo vệ phụ nữ bị bạo hành ở Turin, luật pháp Ý bảo vệ cho phụ nữ bị bạo hành, nhưng chưa đủ khả năng ngăn cản các vụ bạo hành tiếp diễn.

Những trung tâm như của ông Foggetti đang hỗ trợ rất nhiều phụ nữ bị bạo hành thân cô thế cô. Với mỗi phụ nữ bị bạo hành, trung tâm này cử một người chăm sóc và tư vấn pháp lý. Đấy là một trong những trung tâm đầu tiên ở Italy hỗ trợ pháp lý cho những phụ nữ bị bạo hành, bằng cách tạo nhịp cầu cho họ với các luật sư, đồng thời thực hiện hỗ trợ về tâm lý cho họ. Nhưng những cơ sở như thế ở Italy không nhiều và họ cũng không có nhiều tiền. 

Tháng 9 tới, Hạ viện Italy sẽ họp một phiên đặc biệt về tình trạng giết hại phụ nữ. Nhưng liệu những phiên họp như thế liệu có tạo ra được một điều gì đó tích cực hay không thì còn phải chờ. Trong lúc đó, số phụ nữ bị giết hại vẫn không ngừng tăng.


Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy)
WHO: 1 tỷ người đang chịu đựng bạo hành
WHO: 1 tỷ người đang chịu đựng bạo hành

Một thực tế đáng buồn là hiện trên thế giới có tới hơn 1 tỷ người vẫn đang phải chịu đựng tình trạng bạo hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN