Chỉ một người da đen vừa đi qua cửa, bà Maria bảo tôi: "Nhiều năm trước, khu vực này hầu như không có người da đen. Thế rồi mấy năm gần đây, khi những dòng người từ Bắc Phi vượt biển sang Italy ngày một đông, Pozzallo bắt đầu quen với cảnh này".Hoạt động cứu hộ trên tàu hải quân San Giorgio. |
Nhắc đi nhắc lại rằng mình không phải là một người phân biệt chủng tộc và sẵn sàng dang tay đón nhận những người chạy trốn chiến tranh ở Syria hay Afghanistan sang Châu Âu bằng đường biển để kiếm tìm cuộc sống mới, nhưng bà Maria nói rằng, nhiều người ở Pozzallo cũng lo lắng cho an ninh của họ. "Báo chí nói rất nhiều đến việc bọn khủng bố ISIS có thể trà trộn vào dòng người nhập cư đổ bộ vào đảo Sicily, với sự tiếp tay của mafia", bà nói. "Tôi không biết nguy cơ đó có thật không, nhưng chúng tôi cảm thấy lo ngại".
Quan điểm của Maria, một chủ quán cà phê ở gần Pozzallo, có thể được chia sẻ bởi không ít người khác ở đây. Trong những năm qua, cảng Pozzallo, nơi quân Đồng minh đã đổ bộ vào năm 1943 trong chiến dịch mở mặt trận thứ hai nhằm tiêu diệt phát xít Đức, đã trở thành điểm đến của hàng vạn người di cư gốc Bắc Phi và Trung Đông xuất phát từ Libya, nơi gần Italy nhất trên hành trình vượt biển. Trung tâm tiếp nhận người di cư mà Bộ Nội vụ Italy đặt ở trong cảng Pozzallo, nơi hầu như tuần nào cũng có những con tàu chở đầy người di cư được các lực lượng cứu hộ Italy và nước ngoài đưa vào, biến nơi này trở thành khu vực nhộn nhịp nhất của thành phố, vốn sở hữu bốn trong số những bãi biển đẹp nhất của đảo Sicily. Tại cảng Pozzallo, những người di cư được chụp ảnh nhận diện, lăn tay, kiểm tra y tế, trước khi được những chiếc xe bus lớn có cảnh sát hộ tống đưa đến những trại tiếp nhận tạm thời khác trên đất Sicily và Italy, để rồi từ đó, họ chờ đợi số phận của mình được định đoạt, khi lá đơn xin tị nạn có được chấp nhận hay không.
Những người di cư trên tàu khu trục Espero.
|
Vị trí địa lí của Sicily nói chung và Pozzallo nói riêng với Châu Phi đã biến nơi này thành điểm tiếp nhận đầu tiên ở Châu Âu của những người chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở Châu Phi. Đa phần số người này không xin quy chế tị nạn ở Italy mà chủ yếu đến các nước Bắc Âu, nơi bạn bè hoặc người thân của họ đã được chấp nhận. Năm ngoái, hơn 150.000 người di cư đã được tiếp nhận ở Sicily, nhiều chưa từng có.
Năm nay, con số đã vượt quá 90.000 và được dự đoán sẽ cao hơn tổng số người đã đến Italy năm ngoái, khi những vùng đất nói trên chưa hề yên tĩnh. Sicily "gánh" gần một nửa số người này trong các trại tiếp nhận đặt trên hòn đảo. Nhưng sự có mặt ngày càng đông của những người di cư ở Sicily và Italy cũng khiến chính nước này trở nên nóng bỏng hơn trong những cuộc tranh cãi liên miên giữa các đảng phái chính trị, khi một làn sóng bài ngoại và chống người nhập cư đang tăng lên ở Italy.
Trong khi đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền và giới chức nhà thờ ra sức thuyết phục công chúng về nghĩa vụ nhân đạo mà Italy phải thực hiện để cứu người di cư trên biển (hơn 2 nghìn người đã chết trong các tai nạn từ đầu năm) thì động thái mới nhất cho thấy Phong trào 5 Sao (M5S), chính đảng lớn thứ hai ở Italy, đang bắt tay với đảng bài nhập cư Liên đoàn Phương Bắc (Lega Nord) nhằm reo rắc một làn sóng mới chống lại những người mà họ cho là "xâm lăng". Beppe Grillo, người đứng đầu phong trào dân túy M5S, kêu gọi kiểm soát "chặt chẽ" các đường biển để không cho các con tàu chở đầy người di cư vào Italy và thúc đẩy nhanh việc hồi hương những ai không được chấp nhận tị nạn. Matteo Salvini, lãnh tụ của Lega Nord, lại hô hào phải lập các trạm kiểm soát ngay bên các bãi biển để ngăn chặn dòng người di cư. Cha Nunzio Galantino, một lãnh đạo của Hội đồng giám mục Italy (Cei) đã chỉ trích họ là "những kẻ rẻ tiền muốn dùng những lời lẽ ngu ngốc để kiếm phiếu bầu"
Ilvo Diamanti, nhà phân tích chính trị của nhật báo hàng đầu La Repubblica, cho rằng sự nhích lại ấy không hàm ý gì khác ngoài việc cùng "cộng tác" để hạ uy tín của Pd và chính phủ, cũng như tìm sự ủng hộ của các cử tri, vốn đã mệt mỏi vì khủng hoảng kinh tế và nguy cơ khủng bố. Ông cũng chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên các đảng cánh hữu và dân túy đưa ra những luận điệu như thế. Năm 2009, Silvio Berlusconi, khi đó vẫn là Thủ tướng Italy, đã từng gây ra những tranh cãi lớn khi tuyên bố "không thể chấp nhận được khi ở nhiều nơi tại Milan có quá nhiều người không phải là Italy. Thay vì cho rằng, bạn đang ở một thành phố Italy hoặc Châu Âu nào đó, bạn nghĩ bạn đang ở một thành phố của Châu Phi".
Antonino, một người uống cà phê trong quán của Maria, nói với tôi rằng: "Không ít người Italy cho rằng, những người di cư đến Italy là những kẻ man rợ, bệnh tật, bẩn thỉu và trộm cắp. Họ đang xâm chiếm Italy, bởi chính phủ cánh tả đã chi trả cho họ ở các khách sạn và nhà nghỉ bằng tiền thuế của người dân, trong khi không ít người Italy còn không có nhà để ở".
Bạo lực chống người nhập cư đã bùng lên ở Rome và một số nơi khác ở Italy trong những tháng qua, trong khi các thăm dò xã hội cho thấy một không khí chống người di cư đang tăng lên. Những bức xúc vì đủ mọi vấn đề trong xã hội dễ dàng cháy lên thành những ngọn lửa mâu thuẫn, với lí do châm ngòi là người di cư. Trong khi ấy, chính phủ vẫn bất lực trong việc thuyết phục các vùng giàu có ở miền Bắc, hầu hết trong tay các lãnh đạo vùng thuộc Lega Nord, đồng ý tiếp nhận người di cư trong các chương trình phân bổ của họ. Và dòng người di cư sang Italy vẫn tiếp tục không dừng. Một số nhà bình luận cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Renzi không đủ khả năng kiểm soát tình hình và việc giải quyết các vấn đề liên quan đến di cư, cùng với tệ nạn tham nhũng, đang làm giảm uy tín của chính phủ.
Emilio, một trí thức ở Rome nói rằng, "di cư" đã trở thành một chủ đề vô cùng nhạy cảm và dễ bị kích động, bởi làn sóng người di cư và những người đã có quy chế nhập cư bị đổ lỗi cho sự mất an ninh ở các thành phố lớn và dễ bị trút sự tức giận về tình hình kinh tế sa sút trong những năm qua. "Những scandal liên quan đến việc chính quyền cánh tả của thủ đô Rome để mafia thao túng trong các hoạt động quản lí, trong đó có cả việc chia chác nguồn lợi từ việc xây dựng các trại tiếp nhận người di cư, càng khiến cho người ta tin rằng, cả cánh tả và cánh hữu đều đang lợi dụng người di cư vì mục đích chính trị và tham nhũng của mình", anh nói. "Và cử tri, bị kẹp ở giữa, bị bần cùng do khủng hoảng kinh tế, tiếp tục phải sống trong một nỗi bất an mà người di cư chỉ đóng góp một phần".
"Sẽ là một điều tàn nhẫn nếu chúng tôi không giúp đỡ họ, bởi cách đây một thế kỉ, hàng triệu người Italy cũng đã rời bỏ đất nước trên những con tàu", bà Maria kết luận. "Nhưng chúng tôi cũng sống trong phấp phỏng những nỗi lo âu không biết đến bao giờ mới kết thúc".