Kết thúc 100 năm ngự trị của các nữ hoàng Hà Lan

Sau 33 năm trị vì, Nữ hoàng Hà Lan Beatrix ngày 28/1/2013 đã tuyên bố sẽ thoái vị và nhường ngôi cho con trai cả là Thái tử Willem Alexander. Quyết định này sẽ kết thúc giai đoạn hơn 100 năm các nữ hoàng nắm giữ ngai vàng của Hà Lan.


 

Thái tử Willem Alexander sẽ là Nhà vua đầu tiên của Hà Lan trong hơn một thế kỷ sau khi nối ngôi mẹ. Ảnh: Internet

 

“Với sự tin tưởng lớn lao nhất, vào ngày 30/4, tôi sẽ chuyển giao ngai vàng cho con trai tôi, Willem Alexander, Hoàng tử xứ Orange”, người đứng đầu hoàng gia Hà Lan tuyên bố trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp. Vị nữ hoàng sẽ tròn 75 tuổi vào ngày 31/1 này cho biết, dịp sinh nhật của bà và cũng là kỷ niệm 200 năm thành lập vương triều chính là lý do để bà thoái vị. "Tôi thoái vị không phải vì công việc đất nước quá nặng nề, mà vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng trách nhiệm chèo lái đất nước nên được trao lại cho thế hệ trẻ", Nữ hoàng Beatrix bày tỏ với thần dân.


Thủ tướng Mark Rutte đã ngay lập tức ủng hộ quyết định trên và khẳng định: "Nữ hoàng đã trở thành một biểu tượng của Hà Lan”. Ông cũng bày tỏ sự kính trọng đối với Thái tử Willem Alexander và cho rằng Thái tử đã sẵn sàng để đảm nhận trọng trách, đồng thời tin tưởng người kế nhiệm sẽ phục vụ đất nước Hà Lan với sự tận tâm cao nhất. Ngày 29/1, ông Rutte đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt của nội các để thảo luận về quyết định nhường ngôi của Nữ hoàng.


Nữ hoàng Beatrix là nữ hoàng thứ sáu liên tiếp trị vì "xứ sở hoa tulíp". Bà lên ngôi năm 1980 sau khi người mẹ là Nữ hoàng Juliana thoái vị. Trái với phong cách cầm quyền khiêm tốn của Nữ hoàng Juliana, Nữ hoàng Beatrix tỏ ra "phô trương" hơn, với việc thay đổi danh xưng từ “quý bà” sang “bệ hạ”, và chuyển một trong các cung điện hoàng gia ở La Haye thành nơi làm việc. Bà cũng duy trì gặp gỡ hàng tuần với Thủ tướng để thảo luận công việc của chính phủ, khiến Nữ hoàng còn được nhắc tới với biệt danh “CEO của Hà Lan”.


Bà cũng đã ký ban hành các đạo luật và đóng vai trò quan trọng trên chính trường Hà Lan bằng cách chỉ định nhân vật chịu trách nhiệm đứng ra thành lập chính phủ liên minh sau các cuộc tổng tuyển cử. Tuy vậy, mùa bầu cử năm 2012, khi Thủ tướng Rutte đắc cử lần thứ hai, đã đánh dấu lần đầu tiên Nữ hoàng không tham gia vào việc chỉ định nhân vật này, đồng nghĩa với một bước lùi của bà khỏi chính trường.


Trong khi đó, đức vua tương lai Willem Alexander đã rất tích cực “đánh bóng” lại hình ảnh của mình sau những ấn tượng về một thuở sinh viên ưa nhậu nhẹt, được gắn với biệt danh “Hoàng tử Pils” (tên một loại bia nổi tiếng).


Với việc nối ngôi Nữ hoàng Beatrix, Thái tử Willem Alexander sẽ trở thành Nhà vua đầu tiên của Hà Lan kể từ khi Vua Willem đệ tam (Willem III) qua đời năm 1890. Thái tử Willem Alexander sinh năm 1967, từng phục vụ trong quân đội từ năm 1985-1987 và tốt nghiệp Trường Tổng hợp Leiden năm 1993. Từ năm 1998, Thái tử Willem là thành viên Ủy ban Olimpic Quốc tế (IOC), sau đó là Chủ tịch Ban cố vấn về nước của Tổng thư ký Liên hợp quốc.


Hình ảnh về “Hoàng tử bia” đã được cải thiện đáng kể sau khi ông kết hôn với Maxima Zorreguieta, một nhà kinh tế học người Áchentina, hồi năm 2002. Công nương Maxima, 41 tuổi, đã giành được cảm tình của hầu hết người dân Hà Lan nhờ tài năng và vẻ đẹp thanh lịch.


Các hoạt động chào đón lễ đăng quang của tân quốc vương được cho là sẽ được tổ chức ở quy mô vừa phải do những lo ngại về sức khỏe của em trai Thái tử Willem Alexander là Hoàng tử Friso, người đã bị hôn mê kể từ sau vụ tai nạn lở tuyết tại Áo hồi tháng 2/2012.

 

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN