Khả năng Hong Kong trở thành mục tiêu tấn công khủng bố

Trong khi hoạt động tấn công khủng bố ở Trung Quốc đại lục đang dịch chuyển xuống các thành phố ở phía Nam, người dân Đặc khu hành chính Hong Kong có lý do lo ngại về khả năng thành phố nơi họ sinh sống có thể trở thành mục tiêu mới của “làn sóng khủng bố”. Tuy nhiên, theo chuyên gia, nguy cơ đó không cao.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/5 xảy ra ở thành phố Urumqi, thủ phủ Khu Tự trị Tân Cương, nhiều trang mạng ở Hong Kong đã lan truyền thông tin có người Duy Ngô Nhĩ tới Hong Kong và sẽ chém người ở hai khu vực tập trung dân cư đông đúc là Tseun Wan và Mongkok, khiến nhiều người lo sợ.


Vào ngày 6/6 vừa qua, hai hãng hàng không của Hong Kong là Cathay Pacific và Dragon Air lại chứng thực rằng họ nhận được thông báo của phía Đài Loan (Trung Quốc) về việc nghi ngờ một phụ nữ có thể mang theo bom đi từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong, lo ngại càng tăng lên.


Một góc Hong Kong nhìn từ trên cao.


Tuy rằng sau đó, cảnh sát Hong Kong đã lên tiếng bác bỏ tin đồn nêu trên và cho biết vẫn chưa có bất cứ thông tin tình báo cụ thể nào cho thấy Hong Kong có thể trở thành mục tiêu tấn công khủng bố, nhưng có thể thấy người dân Hong Kong khá nhạy cảm đối với những thông tin liên quan tới khủng bố.


Theo chuyên gia chống khủng bố Trung Quốc, ông Lý Vĩ, xem xét các sự kiện khủng bố gần đây thấy rằng địa phương trở thành mục tiêu khủng bố đã mở rộng từ Bắc Kinh, Tân Cương tới khu vực phía Nam, gồm Vân Nam và Quảng Châu, cho thấy xu thế lan rộng ra toàn quốc. Do có mật độ dân số lưu động cao, sức ảnh hưởng từ sự kiện khủng bố lớn, các thành phố cấp một ở Trung Quốc càng có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố.


Đối với Hong Kong, trong một phát biểu được tờ “Kinh tế Nhật báo” trích dẫn, chuyên gia Lý Vĩ cho rằng là đô thị quốc tế, Hong Kong cũng có mật độ dân số lưu động rất lớn và tồn tại khả năng bị tấn công khủng bố, tuy nhiên, khả năng này hiện nay là tương đối thấp. Bởi mục đích chủ yếu của các phần tử khủng bố khi tiến hành tấn công khủng bố là phản đối chính quyền Trung ương Trung Quốc, trong khi đó Hong Kong hiện vẫn thực thi chính sách “một nước hai chế độ”, nếu tấn công Hong Kong, chúng không thể trực tiếp đạt được mục đích trên.


Như vậy, xem xét ở khía cạnh nhu cầu chính trị, Hong Kong sẽ không trở thành mục tiêu tấn công khủng bố chủ yếu. Bên cạnh đó, nếu xem xét tình hình thế lực khủng bố quốc tế tồn tại xung quanh Trung Quốc hiện nay sẽ thấy nếu tới Hong Kong thực hiện tấn công khủng bố, giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với việc lựa chọn mục tiêu ở Trung Quốc đại lục và các phần tử khủng bố cũng chưa có năng lực tiến hành tấn công khủng bố ở Hong Kong.


 Ông Lý Vĩ nói trước khi gây án, các phần tử khủng bố phải tiến hành các hoạt động và liên hệ cần thiết ở địa phương gây án và xây dựng con đường chuyển nhận công cụ tấn công khủng bố thông suốt. Sau khi hoàn thành các điều kiện này, chúng mới có thể phát động tấn công khủng bố.


Căn cứ vào các thông tin nắm được, ông Lý Vĩ cho rằng Hong Kong ít có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố Đông Turkestan, đồng thời nhấn mạnh trong tình hình tấn công khủng bố hiện nay, không gian hợp tác chống khủng bố giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin tình báo liên quan.



Huyền Linh


'Chiếm lĩnh Central' ở Hong Kong có thể làm bùng nổ xung đột
'Chiếm lĩnh Central' ở Hong Kong có thể làm bùng nổ xung đột

Trong khi 54% số người Hong Kong được hỏi trả lời rằng “chiếm lĩnh Central” (trung tâm tài chính kinh tế) là vi phạm pháp luật Đặc khu, có % nghi ngờ hành động này không thể diễn ra hòa bình, phi bạo lực được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN