Sự thực thì biểu tình vì một tách cà phê tăng giá vài chục xu có thể xảy ra được không, cho dù đó là một đất nước mà cà phê trở thành một phần cuộc sống? Tôi hỏi một người bạn Italy về điều này. Andrea, tên của anh, trả lời: "Bây giờ thì ở đất nước này, điều gì cũng có thể xảy ra, khi thói quen tán gẫu của người Italy bị ảnh hưởng vì giá một tách cà phê đã tăng giá chút đỉnh. Người Italy hiện tại có đủ mọi lí do để bất mãn rồi, và họ dồn tất cả lên đầu chính phủ".
Cà phê đã trở thành một phần cuộc sống của người Italy. |
Anh thợ điện ấy nói đúng. Đối với anh, bây giờ có việc làm là điều tuyệt vời nhất. Những người lao động như anh nằm trong danh sách bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái kinh tế dài nhất ở Italy kể từ hơn 20 năm qua. Và anh khẳng định là mình sẵn sàng tham gia những cuộc biểu tình. Vì bất mãn, hoặc vì bất cứ điều gì anh không cảm thấy hài lòng.
Andrea chưa tham gia, nhưng hàng vạn người khác đã xuống đường ở nhiều thành phố lớn của Italy trong một tuần qua để thể hiện sự tức giận khi cuộc sống của họ bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng. Các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước của một phong trào mang tên "Forconi" (Cái đinh ba), tập hợp những người nông dân và lái xe tải hạng nặng ở đảo Sicilia bỗng nhiên trở thành một hiện tượng gây chú ý lớn lao ở Italy trong những ngày qua. Bởi phong trào bắt đầu từ việc biểu tình chống mức thuế cao áp cho nông nghiệp và thuế vận tải ở một hòn đảo, đã biến thành một chiến dịch tập hợp mọi giai tầng trong xã hội Italy nhằm phản đối chính phủ và chính giới nước này.
Những sinh viên đã hòa cùng phong trào để biểu tình ở Roma nhằm chống cắt giảm ngân sách giáo dục. Thợ thủ công và tiểu thương phản đối vì chính phủ không giữ lời hứa giảm thuế. Những người nhập cư vốn bị gạt bên lề xã hội chỉ trích chính phủ vì cách đối xử với họ. Các nghiệp đoàn công nhân đòi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Những người đòi li khai ở vùng Veneto lên tiếng yêu cầu người ta nghe đòi hỏi của họ. Những kẻ theo tư tưởng cực hữu thì muốn phá phách. Những thanh niên thất nghiệp đòi có việc làm và muốn những chính trị gia bất tài nhưng tham nhũng phải bị mất chức...
Họ chặn đứng các tuyến đường cao tốc, tuần hành trên đường phố của các đô thị lớn từ Bắc xuống Nam Italy, chiếm các quảng trường và đụng độ với cảnh sát. Cả một số cảnh sát được giao nhiệm vụ trấn áp cũng biểu thị sự đoàn kết khi bỏ mũ sắt, bởi không ít trong số những người mặc quân phục kia đang sống với đồng lương chết đói.
Chính phủ Italy mới tồn tại từ tháng 4 đến giờ đã trải qua hàng loạt sóng gió cùng những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cũng như những bất đồng nội bộ giờ đây đang đối mặt với làn sóng ngày càng lan rộng ấy. Các nhà phân tích Italy phát hiện ra là phong trào này không có một định hướng chính trị nào, không có một hệ thống tổ chức nhiều lớp, không có một lãnh đạo cấp cao. Nhưng ban đầu là nông dân và lái xe tải, sau đó là một lực lượng đông đảo tập hợp chỉ cần vài ngày mà không cần ai kêu gọi. Tất cả cùng đoàn kết vì một mục đích chung: Thể hiện sự tức giận với chính phủ nói riêng và chính giới Italy nói chung, những người đã không thể giải quyết được những vấn đề trầm kha của đất nước.
Người ta chỉ ra rằng, ổn định chính trị là một trong những điều quan trọng nhất để Italy thoát khỏi khủng hoảng. Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta hiện đang gồng mình trong khó khăn, và việc vượt qua rất nhiều gian nan hiện tại không đồng nghĩa với việc họ có thể lèo lái được Italy ra khỏi những khó khăn chồng chất là di sản của những chính phủ trước đã để lại. Di sản ấy thật kinh khủng: nợ công đã lên 133% GDP; tỉ lệ thất nghiệp đã lên mức kỉ lục là 12,5%, trong đó thất nghiệp ở tuổi thanh niên lên đến 41,2%. Những người đã và đang xuống đường muốn thoát khỏi viễn cảnh mờ mịt ấy.
Giáng sinh này sẽ như thế nào ở Italy? Những dự đoán của các nghiệp đoàn thương mại cho thấy, người ta sẽ ăn ít hơn, tiêu dè xẻn hơn và có lẽ sẽ kêu ca nhiều hơn. "Nhưng trước đấy, khi niềm đam mê uống cà phê vốn tốn rất ít tiền của người Italy bắt đầu bị ảnh hưởng, có thể người ta cũng sẽ xuống đường để biểu tình vì cà phê đã tăng giá", Andrea nói. Chỉ còn thiếu mỗi điều đó nữa thôi...
Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy, từ Roma)