Khó khăn “giải tiếng oan” nhiễm xạ cho gạo Fukushima

Dù các nhà khoa học Nhật Bản đã nỗ lực để cải thiện tình trạng nhiễm xạ đất và nước nhưng vẫn không thể góp phần “làm sạch” cho hạt gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của Fukushima.

 

Thị trấn Miharu của tỉnh Fukushima, nơi có cây anh đào cổ ngàn năm tuổi nổi tiếng, từng đón 30.000 lượt du khách mỗi năm, hai năm nay chỉ 2.100 -2.400 khách du lịch. Trong cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của người dân, quầy nông sản chất ngất bí, rau và gạo các loại, nhưng thưa thớt người mua.


“Người ta không dùng sản phẩm trồng ở Miharu”- Phó Thị trưởng thành phố, ông Shigeru Fukaya than thở. “Họ lo bị nhiễm phóng xạ”.


Làng thuần nông này trong 3 năm trở lại đây, từ saunụ nổ lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Daichi cách Miharu chừng 50 km, chỉ sản xuất mỗi năm được 20% sản lượng so với trước đó.


Gạo Fukushima mang "tiếng oan" bị nhiễm phóng xạ.


Đây cũng là tình trạng chung của toàn tỉnh Fukushima. Theo bà Aki Ohmori, phóng viên chuyên mục ẩm thực của báo The Yomiuri Shimbun, từ sau sự cố nổ các lò phản ứng điện hạt nhân năm 2011, đến nay mức độ nhiễm xạ trong thực phẩm của Fukushima đã rất thấp. Bộ Y tế và Chính phủ liên tục tuyên truyền rằng sản phẩm hoàn toàn an toàn, nhưng người tiêu dùng vẫn tránh sử dụng gạo và nông sản của thành phố này. “Uy tín của sản phẩm nông sản Fukushima đến giờ vẫn bị tổn thương” – bà nói.

 

Aya Hirata Kimura và Yohei Katano của tờ Journal of Rural Studies dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết: Fukushima từ chỗ là địa phương sản xuất gạolớn thứ tưcủa quốc gia, năm 2011, sản lượng nông sản sụt giảm 20% so với các năm trước. Năm 2012, có 96,1% số nông dân trả lời phỏng vấn cho rằng họ không thể tiếp tục sản xuất bởi hậu quả của nổ lò phản ứng hạt nhân.

 

Phóng xạ trong gạo dưới mức cho phép


Để nỗ lực “cứu” tiếng thơm cho hạt gạo Fukushima nói riêng và các nông phẩm tại tỉnh này nói chung, các nhà khoa học đã tính tới giải pháp “rửa sạch” đất và nước – tư liệu sản xuất của ngành nông nghiệp.


TS Jun Saegua (Trung tâm an toàn môi trường Fukushima) cho biết: Với đất, do chất phóng xạ Censium 137 và 134 mới chỉ thẩm thấu trên bề mặt, nên giải pháp là bóc tách lớp đất mặt này, đóng bao, tìm một địa điểm khác để bảo quản. Theo TS Jun  Saegua, là diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm xạ tại Fukushima chỉ chiếm 10-20% tổng diện tích đất nông nghiệp tại tỉnh này. Một viện nghiên cứu khác cũng đang thực hiện đề tài khử xạ trong đất, ông Jun cho biết.


Quầy bán nông sản ở Miharu (tỉnh Fukushima) thường xuyên vắng khách, dù nông sản của Miharu và cả tỉnh Fukushima từng nổi tiếng khắp Nhật Bản. Ảnh: Thùy Hương


Do chất phóng xạ Censium 137 không tan trong nước, nên theo TS Seagua, việc xử lý nước chủ yếu là làm làm sạch chất Censium 134. Nước thải sinh hoạt (ví dụ như bể bơi sau khi sử dụng) được hòa cùng dung dịch tẩy rửa; khuấy tan, chờ 15-30 phút. Phóng xạ hấp thụ chất tẩy rửa, kết tủa lại sẽ được lắng cặn, lọc ra, phơi khô. Nước sau đó nếu vẫn còn hạt đất và tảo xanh thì lại hòa cùng Fluor và lại thu cặn. Chất thải rắn thu được nếu chứa phóng xạ, sẽ được đóng gói và bảo quản.


Theo TS Jun Saegua, việc cải thiện phương pháp canh tác cũng góp phần giảm nhiễm xạ trong  nông sản. Nông dân bón thúc phân Kali với số lượng nhiều, khiến cây lúa hấp thu đủ chất dinh dưỡng và do đó bộ rễ sẽ không phải vươn xuống tầng đất có nhiễm xạ.


Các mẫu gạo Fukushima được gửi sang Anh để xét nghiệm. Kết quả: nồng độ bức xạ trong gạo Fukushima rất thấp, chỉ là 0,00043 µSv/h/kg. So với mức cường độ phóng xạ 100becquerelsmỗi kg mà Chính phủ Nhật Bản quy định, thì thấp hơn rất nhiều. (trong khi đó, tiêu chuẩn của thế giới là 500 becquerels/kg).


Có lẽ do đáp ứng được tiêu chuẩn thế giới, nên tháng 8/2014, Singapore đã chấp nhận nhập khẩu hạt gạo với xuất xứ rõ ràng Fukushima, dù con số chỉ khoảng 300kg.

 

Thành tựu khoa học dùng để… tuyên truyền


Tuy nhiên, những nỗ lực của các nhà khoa học và những tuyên bố của Chính phủ dường như vẫn chưa đủ thuyết phục người dân. Người Nhật Bản, thậm chí chính người dân đang sống ở Fukushima vẫn không mặn mà với hạt gạo vùng này.


“Người dân Nhật Bản vẫn tránh dùng gạo Fukushima. Đây đó vẫn có bán gạo Fukushima nhưng… không ghi xuất xứ địa phương mà chỉ viết chung chung “made in Japan” – bà Aki Ohmori, phóng viên chuyên mục ẩm thực của báo The Yomiuri Shimbun cho biết.


“Tôi không quan tâm lắm đến gạo sản xuất ở đâu, nhưng cha mẹ tôi thì có”- anh Kaoru, một người dân  Thành phố Fukushima cho biết. “Mẹ tôi vẫn dùng gạo ở nơi khác để nấu cơm cho gia đình”.


Cô Misato,  một nghiên cứu sinh chuyên ngành ngành gen đang sống tại Tokyo, có cha mẹ và người thân ở làng Kawanata (cách thành phố Fukushima 75 km)  thì cho biết: "Cũng có những nhà chuyên trồng lúa ở quê cô đã chuyển sang trồng hoa bán".


Để giúp người dân không còn sợ hãi chất phóng xạ trong nông sản, các kết quả xét nghiệm nồng độ phóng xạ trong đất, trong nước và trong thực phẩm đã được công bố. Các nhà khoa học của Trung tâm an toàn môi trường Fukushima bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật làm sạch nước còn kết hợp với cán bộ địa phương để tuyên truyền tới người dân. Những thiết bị xét nghiệm độ nhiễm xạ trong nông sản  và con người đã được sử dụng, vừa để để đo phóng xạ, vừa dùng để… tuyên truyền. GS Ryugo Hayano (ĐH Tokyo) giới thiệu: "Vì nhiều người lo lắng cho tình trạng nhiễm xạ của trẻ em, nên máy Baby Scan đã ra đời, và chủ yếu là để giúp mọi người yên tâm hơn mà thôi. Em bé được cho vào buồng máy trong 4 phút, máy sẽ cho ra kết quả độ nhiễm xạ. Đến nay đã có 1.000 em bé được kiểm tra, nhưng chưa có em bé nào có nồng độ phóng xạ cao hơn ngưỡng cho phép. Nhưng cũng nhà khoa học này thừa nhận: Các em bé đều được mẹ lựa chọn thực phẩm rất kỹ cho mình, và tất nhiên tránh dùng thực phẩm từ Fukushima!".

 

“Chúng tôi chấp nhận thực tế” - Phó Thị trưởng thành phố Miharu, ông Shigeru Fukaya nói. “Nhưng chúng tôi là nông dân, và chúng tôi vẫn trồng cấy. Ở đây, như các bạn thấy, rau vẫn xanh trong các mảnhvườn ngoài kia”



Thùy Hương

 

 

100 tấn nước nhiễm xạ rò rỉ tại Fukushima
100 tấn nước nhiễm xạ rò rỉ tại Fukushima

Khoảng 100 tấn nước nhiễm phóng xạ ở mức độ cao đã bị rò rỉ qua một trong những bể chứa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN