Việc Tata Steel, tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ sáu thế giới, tuyên bố sẽ bán các nhà máy thép tại Anh sau khi thua lỗ tới 2,8 tỷ USD trong 5 năm qua được ví như “giọt nước làm tràn ly”.
Báo chí tại Anh cho rằng vấn đề đầu tiên là xu hướng mở cửa thị trường trong tiến trình toàn cầu hóa. Trong nhiều thập niên sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Chính phủ Vương quốc Anh cũng như chính phủ nhiều nước khác có thể bảo vệ ngành thép trong nước thông qua việc áp đặt mức thuế cao đối với thép nhập khẩu. Tuy nhiên, giờ đây họ không thể làm vậy.
Nhà máy thép Tata Steel đặt tại Port Talbot, Wales. Ảnh: Getty |
Yếu tố thứ hai là tác động của thép Trung Quốc đối với ngành thép thế giới. Trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc, vốn được ví là “trung tâm chế tạo của thế giới”, đã tiêu thụ lượng thép lớn. Tuy vậy, giờ đây khi kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại, đồng thời chủ trương giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực chế tạo, ngành thép nước này đứng trước sự dư thừa nguồn cung khá lớn. Giải pháp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là bán thép ra thị trường toàn cầu thấp hơn giá thành. Các nghiệp đoàn tại Vương quốc Anh đang cáo buộc rằng hành động bán phá giá của Trung Quốc đang dồn ngành thép của “xứ sở sương mù” tới chân tường.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng yếu tố thứ ba là sự ứng phó một cách chậm chạp của EU trước mối đe dọa của thép Trung Quốc cùng với những quy định cứng nhắc khiến Vương quốc Anh và các nước thành viên EU khác gặp khó khăn trong việc “giải cứu” ngành thép trong nước. Lý lẽ mà Liên minh đưa ra là chẳng có lý gì phải “chống lưng” các nhà máy thép đang làm ăn thua lỗ khi mà thế giới đang tràn ngập mặt hàng này.
Hành động được cho là thiếu mạnh mẽ của Chính phủ Vương quốc Anh trong việc “cứu” ngành thép trong nước là yếu tố thứ tư dẫn đến khủng hoảng ngành thép tại nước này. Chính phủ "đảo quốc sương mù" không chỉ đặt gánh nặng chi phí năng lượng (vốn cao hơn so với Đức và Pháp) lên vai ngành thép, mà còn ngăn chặn đề xuất của một số nước EU trong việc giải quyết vấn đề bán phá giá thép của Trung Quốc thông qua việc áp thuế nhập khẩu cao hơn.
Có thể nói, bốn yếu tố trên kết hợp lại tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” đe dọa ngành thép của nước Anh. Điều đó sẽ gây sức ép không nhỏ lên Chính phủ nước này. Trong bối cảnh cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU diễn ra vào ngày 23/6 tới, các quan chức Vương quốc Anh có thể sẽ nói rằng họ muốn làm nhiều hơn nữa, song quy định của EU ngăn không cho họ làm như vậy.
Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để ngành thép vượt qua khủng hoảng? Ngành thép tại Vương quốc Anh cũng như của nhiều nước phương Tây khác sa sút trong 15 năm qua. Cắt giảm chi phí năng lượng là một giải pháp, song có lẽ là quá muộn. Chính phủ Vương quốc Anh có thể công bố kế hoạch hành động để hỗ trợ ngành thép trong nước, đồng thời kiện hành động bán phá giá của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới, một tiến trình kéo dài tối thiểu một năm. Tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng là một lựa chọn. Ngoài ra, Chính phủ có thể chọn phương án trả tiền cho các chủ sở hữu nước ngoài để tránh cho các nhà máy thép ở Anh đóng cửa hoặc ra quyết định quốc hữu hóa ngành thép vốn do tư nhân sở hữu từ năm 1988 dưới thời Chính phủ Thủ tướng Margaret Thatcher.
Giá thép trên thị trường thế giới nhích lên trong thời gian gần đây. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu nguyên liệu thô trên toàn cầu còn yếu thì khả năng sản lượng thép thế giới có thể điều chỉnh xuống mức mà ngành thép Vương quốc Anh sớm thu được lợi nhuận là điều khó xảy ra.