Kinh hãi... dị vật trong thực phẩm

Trên thế giới có không ít trường hợp đã nhận được một khoản tiền lớn sau khi phát hiện dị vật trong thực phẩm.

“Dị vật” trong một chai nước.


Tại nước ngoài, khi thấy trong thực phẩm có đồ vật lạ, khách hàng có thể kiện công ty sản xuất, nhà hàng, quán ăn... ra tòa và kiếm được một khoản tiền bồi thường tương đối lớn. Một nhà tạo mẫu tóc ở Windsor (Canada) sau khi phát hiện xác những con ruồi trong chai nước uống của hãng Culligan đã được nhận 340.000 USD tiền bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, tại New York, cô Vjollca Lecaj đã thắng 50.000 USD trong vụ kiện chuỗi nhà hàng nổi tiếng Mc Donald khi được phục vụ một chiếc bánh sandwich có chứa nhiều... mảnh kính vỡ.

Bên cạnh đó, khi gặp phải các sự cố không may gặp trúng đồ vật lạ trong thực phẩm, có nhiều khách hàng cũng thưa kiện song mục đích không phải đòi tiền bồi thường mà muốn cảnh báo cũng như nhắc nhở các công ty sản xuất phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Một người đàn ông tên Gao, sau khi mua một thùng 24 chai Sprite của hãng giải khát Coca Cola vào ngày 23/6/2007 tại một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đã tìm thấy một con gián trong chai nước. Anh Gao đã kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường 5,1 NDT (tương đương 18.000 đồng). Tổng số tiền bồi thường thiệt hại bao gồm giá chai nước 2,05 NDT (7.000 đồng), 2,05 NDT tiền phạt và 1 NDT (3.500 đồng) cho những tổn thất về tinh thần. Thêm vào đó, anh còn yêu cầu Coca Cola phải có lời xin lỗi chính thức tới người tiêu dùng.

“Tôi không cần tiền, tôi chỉ muốn làm lớn vụ kiện này để thu hút sự chú ý của dư luận”, Gao cho biết. Tuy nhiên sau đó, công ty sản xuất đồ uống Coca Cola tại Bắc Kinh đã chứng minh sự cố sản phẩm đó là hy hữu và công ty luôn đảm bảo được danh tiếng sản xuất những loại đồ uống có chất lượng và an toàn. Kết thúc vụ kiện, tòa án yêu cầu công ty chỉ phải bồi thường 2,05 NDT cho chai nước chứa côn trùng và bác bỏ mọi kiến nghị khác của anh Gao.
Bên cạnh việc phải trả tiền bồi thường cũng như danh tiếng thương hiệu bị tổn hại, nhiều nhà sản xuất sau khi xảy ra trường hợp chứa “dị vật” trong thức ăn, đồ uống đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình.

Tại Nhật, công ty cổ phần Asahi cho biết một đại diện chi nhánh của họ đã phải thu hồi 120.000 gói thực phẩm khoai tây trộn thịt cho trẻ em sau khi khách hàng phát hiện một con dế trong gói đồ. Trong khi đó, một công ty thực phẩm khác có tên là Wakodo nhận được lời phàn nàn từ một khách hàng sau khi người này mua một gói thực phẩm ở tỉnh Tochigi và phát hiện trong đó có côn trùng. Cả hai công ty đều nói rằng họ không chắc chắn việc thực phẩm có bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất hay không, song họ vẫn quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm. “Chúng tôi thực sự xin lỗi và lấy làm tiếc vì đã gây ra rắc rối cũng như lo lắng cho khách hàng”, công ty Wakodo tuyên bố.

Công ty thực phẩm đông lạnh Nissin đã thu hồi hàng trăm nghìn gói mỳ Ý sau khi phát hiện gián trong gói đồ. Thậm chí công ty mỳ ăn liền Maruka đã phải ngừng quy trình sản xuất sau khi có người tiêu dùng tìm thấy một con bọ trong đồ ăn.

Tuy các công ty thực phẩm đã nhanh chóng có những biện pháp xử lý kịp thời những vụ việc phát hiện “dị vật” trong đồ ăn như trên song dường như tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang ở mức đáng lo ngại. Thiết nghĩ các doanh nghiệp nên cần chú trọng vào khâu sản xuất để tránh xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc, gây mất uy tín cho nhãn hàng của mình.


Hồng Hạnh

Cảnh báo với đồ ăn siêu bẩn

Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã bắt và xử lý những vụ vận chuyển vào nội địa thực phẩm đã ôi thối và đang phân hủy, như nội tạng động vật, chân giò lợn, chân trâu bò đã hỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN