Lạnh lẽo nhà xác ở Gaza

Nằm khiêm tốn tại một góc trong tổ hợp bệnh viện Shifa của thành phố Gaza, tòa nhà một tầng có tên “Ngôi nhà của Cái chết” theo cách gọi của người địa phương, không cần đến mật mã lối vào lẫn những tấm biển cảnh báo đỏ màu để xua đuổi người lạ. Chỉ mùi “xú khí” cũng đủ khiến bước chân những kẻ xâm nhập phải tránh xa.

Nhà xác bệnh viện Shifa vừa trải qua một trong những tháng hoạt động bận rộn nhất trong nhiều thập kỉ qua, khi có đến hơn 500 thi thể được bảo quản trong 17 phòng lạnh.

Một người đàn ông khóc than bên thi thể người thân tại nhà xác bệnh viện Shifa.


Tuy nhiên, những ngày này, khi việc dừng các trận mưa bom của Israel dường như được hiện thực hóa sau thỏa thuận ngừng bắn tiếp theo do Ai Cập đề xuất, căn nhà xác một lần nữa trở lại cái vẻ hiu quạnh đến khó tả. Một thứ mùi ngột ngạt tràn ngập bầu không khí nơi đây.

Bên trong căn phòng giải phẫu sáng ánh đèn, ba nhân viên y tế đang kéo một túi bọc thi thể khỏi bàn giải phẫu. Thi thể này được họ tìm thấy nằm chôn sâu bên dưới đống gạch vỡ tại Shaja’ia, một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Gaza. Không ai biết có bao nhiêu thi thể vẫn còn nằm ở đó, dưới những ngôi nhà dồn dập gánh chịu các cuộc tấn công của Israel và thị trấn này, gần như đã trở thành bình địa.

Chỉ mới tháng trước, nhà xác bệnh viện rơi vào tình trạng hỗn loạn khi những người sống sót sau các cuộc không kích của Israel cùng cố nhồi nhét vào một hành lang hẹp và xô đẩy tới phía trước bất kể khi nào có thêm thi thể xuất hiện ở cánh cửa.

Với bác sĩ Hamdy Eikehlout, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y lão luyện, từng tham gia quân y trong ba cuộc chiến tranh ở Gaza và chiến tranh Bosnia những năm 1990, căn nhà xác nơi ông đã làm việc trong 20 năm qua đã trở thành một mảnh đất cho những nỗi phiền muộn.

Phải tiếp xúc với xác chết gần như mỗi ngày trong suốt quãng thời gian làm việc, người đàn ông ngoại ngũ tuần có lúc đã nghĩ cuối cùng, ông có thể bình tĩnh xử lí thi thể người đã khuất. Tuy nhiên, khi thi thể của trẻ em thiệt mạng sau các cuộc tấn công của Israel liên tục được chuyển đến trên bàn mổ, sự điềm tĩnh quen thuộc mà ông dày công xây dựng bắt đầu sụp đổ. “Tôi khóc suốt lúc mổ. Mỗi buổi sáng tôi tỉnh dậy và lo sợ phải đặt chân vào nhà xác”, người cha của năm đứa con chia sẻ.

Bên ngoài cửa sổ văn phòng làm việc của ông, tiếng một chiếc máy phát điện lớn gầm lên như đe doạ, gần như nhấn chìm câu chuyện của người bác sĩ. Dải Gaza ngập trong bóng tối kể từ ngày 29/7 sau khi Israel phá hỏng nhà máy điện duy nhất của khu vực. Do vậy, việc chăm sóc cho khoảng 2.000 bệnh nhân bị thương trong cuộc xung đột cũng như việc bảo quản khoảng 70 thi thể vẫn nằm trong các phòng lạnh của nhà xác giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện do chiếc máy phát điện kia cung cấp.

Theo lời kể của ông Hamdy, “trong tuần đầu Israel tấn công, có 23 thi thể trẻ em, những đứa trẻ vô cùng bé bỏng được mang đến nhà xác”. Nhưng khi các cuộc không kích của Israel tiếp tục, ông ngừng việc đếm số thi thể các em. “Sau đó, tôi đã thấy quá nhiều trẻ em bị giết hại đến nỗi không biết con số là bao nhiêu”, ông nói.

Theo báo cáo hàng ngày các tình huống khẩn cấp của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, khi các đội cứu hộ tiếp cận được những địa điểm bị phong tỏa trước đó do các trận không kích của Israel, tổng số người thiệt mạng của Palestine tăng lên con số 1.922 người tính đến sáng 8/8, trong đó có 1.407 người được cho là dân thường và có 448 trẻ em.

Ngoài ra, theo OCHA, có 373.000 trẻ cần hỗ trợ tâm lý xã hội để điều trị chứng rối loạn các em mắc phải trong các cuộc xung đột, trong đó có những em phải chứng kiến cảnh bạn bè và cha mẹ mình bỏ mạng.


Anh Tiếu (Theo Tân Hoa Xã)



Ngày yên tĩnh thứ hai ở Gaza
Ngày yên tĩnh thứ hai ở Gaza

Ngày thứ hai trong thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ theo đề nghị của Ai Cập tiếp tục mang đến một chút ít bầu không khí yên tĩnh cho những cư dân của Gaza và binh lính Israel dọc biên giới gần đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN