Pháo hoa mừng Năm mới ở Thụy Sĩ. |
Lịch sử phong tục đón Năm mới: Các nhà bác học thế giới khẳng định: Lễ đón mừng năm mới đã ra đời cách đây ít nhất là... 25 thế kỉ. Vào cuối thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, phong tục này bắt đầu xuất hiện ở vùng Châu thổ sông Nin, Ai Cập - một trong những cái nôi đầu tiên của nền văn minh nhân loại.
Thời ấy, mọi công việc nông nghiệp, đồng áng chỉ bắt đầu vào tháng 3 khi nước thượng nguồn đổ nhiều về các con sông Tigơrơ và Ơphrát. Sự kiện trọng đại đón mừng năm mới diễn ra 12 ngày liên tục gồm các hoạt động: Diễu hành, hóa trang, vũ hội để kỉ niệm chiến thắng của Thượng đế tối cao trước các thế lực bạo tàn và chết chóc. Trong những ngày vui ấy, người ta nghỉ tất cả mọi việc, kể cả việc xét xử và thi hành án.
Các tài liệu bằng văn tự ghi trên gốm và đất sét còn lưu lại được cho đến ngày nay đã miêu tả không khí lễ hội hóa trang đó diễn ra một cách tự do, rất sôi nổi và cuồng nhiệt. Trong lễ hội, mọi người đều bị đẳng. Thậm chí, nô lệ có thể đột nhiên trở thành ông chủ trong giây lát! Nhiều bức tranh miêu tả các trận chiến của Thượng đế tối cao chống lại những thế lực siêu nhân, hỗn mang thủa hồng hoang (rồng, rắn, thằn lằn). Các tín đồ Do Thái Giáo khi bị bắt làm tù binh ở Balilon đã bắt chước những cảnh trong Thánh kịch đón mừng năm mới này và mang về Bibơlia, dựng lại. Từ đấy, lễ hội năm mới dần dần hình thành và được lan truyền qua Hy Lạp sang cả Châu Âu và những nước khác.
Đa số các dân tộc đón mừng năm mới vào thời điểm trùng với thời kỳ phục sinh của thiên nhiên, khi mùa Xuân về, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc sau một mùa Đông dài lạnh giá và ảm đạm. Các nước ở phương Đông đón năm mới âm lịch tính theo chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Mặt Trời. Tuy có sự khác nhau nhưng, ngày nay, nhiều nước trên thế giới đón mừng Năm mới Dương lịch vào ngày 1-1 hàng năm.
Phong tục đón Năm mới:
Tại Anh: Mỗi khi Tết đến, vào ngày cuối cùng của một năm, người Anh thường tập trung về Quảng trường Trafalgar và Piccally Circus để nghe tiếng chuông đồng hồ Big Bang gióng lên báo hiệu thời điểm chuyển giao của 1 năm. Sau đó, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa hát vang bài Old Lang Shine, một bài hát cổ chào đón năm mới. Người Anh rất coi trọng người xông nhà đầu năm. Người xông nhà thường là một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, đẹp trai, có mái tóc đen càng tốt và mang theo một mẩu than, một miếng bánh mỳ. Đây là những hiện vật tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc.
Ba Lan: Dịp đón năm mới, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo nhau đến từng nhà hát vang bài hát Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn. Những người theo sau thì hóa trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ. Nhiều nơi còn giữ tục lệ: Các cô gái cầm cây gỗ gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.
Bungari: Năm mới không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng năm mới, bị đập càng nhiều thì càng may mắn! Trong bữa tiệc đầu tiên của ngày mùng một Tết, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, nhân bánh giấu đồng tiền và hoa hồng. Ai ăn phải phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn phải phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu.
Đan Mạch: Mọi nhà đều gom giữ các mảnh vỡ đồ vật. Đêm giao thừa, người ta lặng lẽ đem những mảnh vỡ đó đặt trước cửa nhà bạn mình như một lời chúc may mắn. Sáng ra, cửa nhà ai nhiều mảnh vỡ chứng tỏ người ấy nhiều bạn bè và rất được bạn bè quý mến.
Đức: Đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm. ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại. Vào lúc giao thừa người ta... bắn đại bác khắp nơi để xua đuổi ma quỷ và đón chào năm mới.
Hy Lạp: Lúc giao thừa, người ta tắt điện và mở vòi nước để nước và điện cùng khai trương một lúc với năm mới đang đến. Cũng đúng giờ giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân và đập vỡ quả lựu vào tường nhà, sao cho hạt lựu văng ra sân, với niềm tin gia đình sẽ sống hạnh phúc trong năm mới.
Italia: Người Italia đặc biệt ưa thích cây thông ngày Tết. Ngay từ đêm 25 tháng 12, người ta đã quây quần quanh bàn tiệc chờ đón ông già Nôen tới thăm và tặng quà Tết. Đêm Giao thừa, không ai ra khỏi nhà. Nhà nào cũng mang bình lọ cũ ném qua cửa hoặc quẳng ra ban công vào đúng lúc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng. Trẻ em đem bít tất để gần lò sưởi để bà tiên Bêphan mang cho quà.
Nga: Đầu năm mới, người Nga có phong tục tặng bánh mỳ và muối cho khách quí.
Pháp: Lúc giao thừa, người ta ôm hôn chúc mừng nhau dưới cây chùm gửi.
CH Síp: Không được quên... hắt xì hơi vào lúc giao thừa, thiếu vắng tiếng hắt xì hơi năm mới sẽ không được như ý nguyện.
Tây Ban Nha: Người nào ăn xong 12 quả nho đúng vào lúc chuông đồng hồ điểm giao thừa sẽ được hưởng hạnh phúc trọn năm.
Thụy Sĩ: Ngày Tết, người dân kết thành một hội trèo lên đỉnh núi tuyết, đứng trên cao, giữa khoảng không thi nhau hò hét để tiễn năm cũ và đón chào năm mới.