Trong tiếng nhạc Tango tràn ngập căn phòng, các học viên mời bạn nhảy, rồi say sưa dìu dắt nhau trong điệu nhảy nổi tiếng của Áchentina. Một cảnh tượng như vậy là quá đỗi bình thường ở Buênốt Airét, cái nôi của Tango. Nhưng đây không phải là một lớp học Tango thông thường: Sàn nhảy này là một căn phòng thuộc một bệnh viện tâm thần - thần kinh và các học viên đều là bệnh nhân sức khỏe tâm thần.
Một y tá đang hướng dẫn bệnh nhân tại bệnh viện Borda nhảy Tango. Ảnh: Internet |
Một số trung tâm y tế ở Buênốt Airét đã phát hiện ra rằng, nhịp 2/4 phức tạp của vũ điệu Tango có thể giúp làm êm dịu các bệnh nhân mắc các vấn đề tâm thần, buộc họ phải tập trung tâm trí vào một hoạt động đòi hỏi sự kết hợp của hai người.
“Tango là môn khiêu vũ đặc biệt vì nó tạo ra một mối liên hệ rất gần và lãng mạn”, bà Silvina Perl, một điều phối viên của bệnh viện tâm thần Borda, nói với phóng viên AFP. “Tất nhiên đây không phải là cách chữa bệnh, nhưng trong những lớp học nhảy kéo dài hàng giờ, bệnh nhân tập trung vào khiêu vũ và khi làm vậy, họ không còn bị ảo giác hay mê sảng nữa, họ chỉ tập trung vào bước nhảy”, nhà tâm lý này cho biết.
Tại bệnh viện Borda, một trung tâm sức khỏe tâm thần dành cho nam giới, khoảng 20 bệnh nhân được khiêu vũ với các nữ cộng tác viên của bà Silvina. Các cộng tác viên nắm tay bệnh nhân, cùng họ dìu dặt những bước nhảy nhẹ nhàng - một mối liên hệ hết sức bình thường trong thế giới những người khỏe mạnh, nhưng có thể khó khăn với những người bị rắc rối tâm thần, vốn thường xuyên bị mắc kẹt trong thế giới của riêng họ.
“Ngôn ngữ của Tango giúp những người mắc chứng loạn thần kinh liên hệ được với cá nhân khác, điều vốn không xảy ra trong thế giới của những bệnh nhân này. Trong thế giới của họ, khái niệm “người khác” không tồn tại. Trong khi đó, sẽ không có điệu Tango nếu không có bạn nhảy và nếu bạn nhảy không kết hợp với nhau thì sẽ không có khiêu vũ”, bà Silvina cho biết.
Tại bệnh viện công Ramos Mejia, Tango trở thành một liệu pháp cho người già ở khu lão khoa nhằm giúp họ hòa nhập xã hội và điều trị chứng cô đơn. “Khi người cao tuổi ngừng làm việc, họ rơi vào trạng thái bị bỏ quên, “thừa thãi” chân tay, vì vậy hầu hết họ duy trì một lối sống tĩnh tại và cô độc. Nhờ điệu Tango, họ có thể trở lại với cuộc sống xã hội tích cực”, bà Alba Balboni, 67 tuổi, người điều phối dự án Tango tại đây cho biết.
Trong lúc những ca khúc của huyền thoại Tango Áchentina, Carlos Gardel, vang vọng trong phòng nhảy, các bác sĩ và y tá vẫn làm những công việc thường ngày của mình, tỏa đi khắp các hành lang bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân.
Theo bà Balboni, vị bác sĩ liệu pháp tâm lý từng sống ở Mỹ 33 năm, “Tango có nhiều lợi ích tốt cho người già. Nó như một chiếc chìa khóa kỳ diệu, nhưng về cơ bản, sự kỳ diệu của nó nằm ở động tác ôm ghì lấy nhau trong điệu nhảy”.
Các giáo viên khiêu vũ tại bệnh viện đều rất nhiệt tình hướng dẫn môn nghệ thuật phức tạp với học viên mới, hầu hết còn một chút ngượng nghịu khi phải giữ cơ thể và khuôn mặt mình sát với bạn nhảy mà họ chưa từng gặp trước đó. “Tại các trường dạy, họ tập trung nhiều hơn vào nghệ thuật khiêu vũ. Còn với chúng tôi, điều quan trọng là cái ôm ghì giữa hai người. Từng ít từng ít một, chúng tôi quen với những cái ôm ghì như thế”, ông Federico Tressero, 65 tuổi, nói sau bài học hằng tuần của mình tại bệnh viện Ramos Mejia.
Thu Hằng