Lòng tin kinh doanh ở Italy trong tháng 1/2013 đã bất ngờ
sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 giữa lúc đất nước hình chiếc
ủng đang trong tình trạng suy thoái kinh tế sâu sắc, và điều này đang phủ bóng
đen lên triển vọng phục hồi kinh tế của Italy.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) ngày 30/1 cho biết
chỉ số lòng tin ở khu vực chế tạo trong tháng 1/2013 đã giảm xuống còn 88,2
điểm so với 88,9 điểm của tháng trước đó, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 89,5
điểm của các chuyên gia kinh tế.
Hôm 28/1, ISTAT cũng
cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng trong tháng 1/2013 đã giảm xuống còn 84,6
điểm so với mức 85,7 điểm trong tháng 12/2012 và đây được ghi nhận là mức thấp
nhất kể từ năm 1996. Trong tháng 11 và 12/2012, chỉ số lòng tin tiêu dùng lần
lượt đứng ở các mức 84,8 và 86,2 điểm.
Ngân hàng Trung ương Italy mới đây đã cắt giảm dự báo tăng
trưởng GDP năm 2013 cho nước này xuống mức âm 1% so với mức dự báo âm 0,2% đưa
ra trước đó, viện dẫn môi trường bên ngoài xuống cấp cũng như tình trạng yếu
kém về các hoạt động trong nước đang tiếp diễn. Cả chính phủ lẫn Ngân hàng
Trung ương Italy
đều dự kiến đà phục hồi kinh tế sẽ quay trở lại trong nửa sau của năm 2013, chủ
yếu là nhờ xuất khẩu gia tăng.
Ngân hàng Trung ương Italy
cũng ước tính nền kinh tế Italy
bị sụt giảm khoảng 2,1% trong năm 2012. Còn Liên đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy
(Confindustria) trong một báo cáo vừa công bố thì nói rằng nền kinh tế đã bị
sụt giảm ít nhất 0,6% trong quý 4/2012, cao hơn gấp 3 lần so với quý trước đó.
Tuy nhiên, báo cáo của Confindustria nhận định “tình trạng suy thoái của nền
kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro này đã chạm đáy”.
Trong bối cảnh cử tri Italy đang chuẩn bị đi bỏ phiếu trong
cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24 và 25/2, các chính sách kinh tế
cũng như ngân sách của nước này hiện đang được đưa ra xem xét, đánh giá lại.
Sau khi thực hiện các biện pháp tăng
thuế và cắt giảm chi tiêu nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công trong khoảng
thời gian 14 tháng nắm quyền vừa qua của mình, Thủ tướng tạm quyền Mario Monti
giờ đây nói rằng việc giảm bớt gánh nặng thuế là không hợp lý. Trong khi đó,
lãnh đạo khối các đảng trung tả Pier Luigi Bersani lại đề xuất cắt giảm thuế
thu nhập đối với những đối tượng có mức thu nhập vừa và thấp, đồng thời tăng
thuế đối với những đối tượng có thu nhập cao. Còn lãnh đạo đảng Nhân dân Tự do
(PDL) trung hữu, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi thì hiện đang thúc đẩy xóa bỏ
loại thuế bất động sản áp dụng đối với ngôi nhà đầu tiên của người dân.
Ngự Bình (P/v TTXVN tại Italy)