Người sử dụng lao động và người lao động bất hợp pháp xin giấy phép lao động tại trụ sở Bộ Di trú tại Putrajaya vào tối thứ năm. Ảnh: FOTOBERNAMA |
Chiến dịch truy quét có tên gọi là Hari Hari Operasi (HHO) được thực hiện chỉ 30 phút, sau khi Chương trình “Thẻ thực thi tạm thời công nhân nước ngoài” (gọi tắt là E-card) kết thúc hôm 30/6.
Cụ thể, 90 nhân viên Cục Nhập cư Malaysia do đích thân Tổng giám đốc Cục này ông Mustafar Ali đã đột kích vào nơi ở của công nhân thuộc hai nhà máy tại Kapar, quận Klang, bang Selangor.
51 lao động nước ngoài trong tổng số 239 người bị kiểm tra đã bị bắt giữ do không có giấy tờ hợp pháp. Các lao động này đến từ Bangladesh, Nepal, Indonesia và Myanmar. Một nữ công nhân Myanmar cho biết, cô không biết về thời hạn chót của Chương trình E-card, trong khi người chủ nói rằng cô không phải lo lắng về việc này. Trước đó người chủ cũng đã nộp đơn đăng ký Chương trình E-card nhưng không phải tất cả các công nhân tại nhà máy của cô đều nhận được thẻ chứng thực từ chương trình này.
Tổng giám đốc Mustafar cho biết, các lao động nói trên được đưa về trụ sở của Cục nhập cư để tiếp tục điều tra và xử lý. Malaysia sẽ tiến hành các đợt truy quét hàng ngày nhằm đảm bảo không còn lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này.
Tại bang Johor, trong chiến dịch đột kích vào 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Taman Gembira , lực lượng chức năng Malaysia đã bắt giữ 315 lao động nước ngoài. Giám đốc Sở nhập cư bang Johor Rohaizi Bahari cho hay, các lao động này, gồm 295 nam và 20 nữ, sẽ bị điều tra theo Đạo luật Nhập cư 1959/63. Ông Rohaizi cũng cho biết, cơ quan chức năng bang Johor sẽ tiếp tục thực hiện các đợt đột kích tương tự trong thời gian tới.
Trong khi đó tại thành phố Kota Baru, thủ phủ bang Kelantan, vào lúc 11 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng Malaysia đã tiến hành kiểm tra đột xuất một công trường xây dựng tại khu vực Badang. Sau khi kiểm tra giấy tờ 147 công nhân nước ngoài, cơ quan chức năng đã bắt giữ 97 người, chủ yếu là người Bangladesh.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhắc lại lập trường của nước này là sẽ không gia hạn cho E-card, chương trình được Chính phủ Malaysia đưa ra nhằm nâng cao công tác quản lý lao động nước ngoài và hỗ trợ giới chủ tại Malaysia giảm bớt thiếu hụt nhân lực.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 140.746 lao động nước ngoài bất hợp pháp được cấp thẻ E-card, tương đương 23% số lượng mà Cục Nhập cư Malaysia kỳ vọng là 600.000 người sau khi chương trình E-card bắt đầu từ ngày 15/2 kết thúc hôm 30/6.