Vượt mặt truyền hình
Đó là kết quả vừa được rút ra từ cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Reuters về Báo chí thực hiện. Đã có 50.000 người sử dụng mạng internet thuộc 26 quốc gia tham gia khảo sát với 51% cho biết họ cập nhật tin tức thời sự qua mạng xã hội. Trong nhóm đối tượng là thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, 28% khẳng định mạng xã hội chính là nguồn cung cấp tin tức chính cho họ, trong khi số lựa chọn truyền hình chỉ là 24%.
44% người tham gia cuộc nghiên cứu bộc bạch họ thường đọc tin tức được chia sẻ, bình luận trên Facebook. Apple News chiếm 4% ở Mỹ và 3% ở Anh trong khi Snapchat được sử dụng bởi 1% hoặc thậm chí ít hơn ở nhiều nước khác. Twitter cũng đặc biệt quan trọng và được ưa thích bởi các nhà báo, chính trị gia...
Mạng xã hội đang trở thành kênh chia sẻ tin tức phổ biến nhất. |
Như vậy Facebook và các mạng xã hội khác đã rũ bỏ danh hiệu là "nơi khám phá tin tức" để trở thành nơi độc giả "tiêu thụ tin tức". Điểm đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ chiếm số đông nhất trong nhóm chọn mạng xã hội để cập nhật tin tức.
22% người tham gia khảo sát cho biết rất vui vẻ khi đọc tin tức dựa vào nội dung mà bạn bè họ đọc. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo sợ về việc hình thành “bong bóng tin tức" khi mọi người chỉ tiếp cận diễn biến thông tin từ quan điểm giống nhau.
Một ngạc nhiên khác là video tin tức trên internet dường như chưa lấy lòng được người sử dụng. Chỉ có 24% cho biết họ truy cập video tin tức trên mạng internet. 3/4 số người tham gia cuộc nghiên cứu lại khẳng định họ ưa thích các bài viết hơn.
Hầu hết những người tham gia cuộc nghiên cứu tiết lộ họ sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi tin tức với tỉ lệ cao nhất ở Thụy Điển (69%), Hàn Quốc (66%) và Thụy Sĩ (61%) đồng thời họ cũng thường sử dụng mạng xã hội hơn là vào báo điện tử hoặc truy cập ứng dụng đọc tin tức. Cứ 5 người tham gia cuộc nghiên cứu này thì có một người chọn điện thoại thông minh là thiết bị chính để họ kiểm tra tin tức 5 lần một ngày.
Sử dụng máy tính để bàn đã không còn nổi trội trong khi máy tính bảng đang bứt phá. Thanh niên thường gắn bó với điện thoại thông minh trong khi người có tuổi thường dùng máy tính.
Thách thức với báo chí truyền thống
Đối với những tổ chức truyền thông đang loay hoay tìm đường để thu lợi nhuận trong địa hạt trực tuyến thì có rất ít tin tốt lành xuất hiện từ bản báo cáo này.
Dưới 10% độc giả ở những nước nói tiếng Anh chấp nhận mở hầu bao để được truy cập các tin bài trên báo điện tử vì vậy quảng cáo vẫn là nguồn cung tài chính tiềm năng nhất đối với các tòa soạn. Vậy nhưng trong cuộc nghiên cứu, 35% người tham gia muốn tránh các quảng cáo đột ngột hiện ra khi họ đang đọc tin tức trên mạng.
Báo chí chính thống hiện đang không thể ngó lơ mạng xã hội. Người đọc báo in đã giảm mạnh trong khi việc xem chương trình thời sự trên truyền hình cũng không khả quan và vẫn chỉ phổ biến với nhóm người lớn tuổi.
Điều lo ngại là kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy ở Anh và Canada người đọc tin tức qua mạng xã hội thường bỏ qua và không chú ý vào hãng cung cấp thông tin. Trong khi đó ở những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc thì trong tất cả các lần đọc, chỉ có 1/4 lần người đọc mới chú ý đến hãng tin.
Rasmus Kleis Nielsen, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Khi người đọc ngày càng chuộng truy cập tin tức qua kênh thứ ba thì sẽ ngày càng khó khăn cho các hãng tin trở nên nổi bật trong đám đông, kết nối trực tiếp với người sử dụng và có doanh thu. Sự phát triển này tạo ra một vài kẻ chiến thắng cũng như nhiều kẻ thua cuộc".
Nghiên cứu cũng cho thấy sự tin tưởng của độc giả với tin tức hiện nay cũng khá chênh lệch ở các nước, Phần Lan cao nhất với 65% trong khi Hy Lạp chỉ có 20%.