Ốc đảo cọ rộng lớn tại thành phố Marrakech (miền nam Marốc) hình thành cách đây khoảng mười thế kỷ. Từ bấy đến nay, nơi này luôn là một trong những địa danh đẹp nhất ở Marốc. Được mệnh danh là Thành phố Đỏ, Marrakech thu hút rất nhiều du khách và được người dân Marốc đặc biệt yêu thích. Youssef Ibn Tachfin, vị quốc vương đầu tiên của triều đại Almoravide, đã xây dựng Thành phố Đỏ từ năm 1062 và cái tên Marrakech theo tiếng châu Phi có nghĩa là đất thánh hay còn gọi là đất của chúa.
Một góc thành phố Marrakech. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, ốc đảo cọ này đang phải hứng chịu sự tàn phá của con người lẫn thiên nhiên. Thiếu nước, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều dự án du lịch lớn và trào lưu mở sân gôn là nguyên nhân chính đe dọa sự sống còn của ốc đảo cọ.
Trước đây, Marrakech có đến hàng trăm nghìn cây cọ trồng trên một diện tích trải dài đến 16.000 hécta. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, trong vòng 20 năm qua, khoảng 30% diện tích trồng cọ đã bị thu hẹp. “Từ nhiều năm nay, các dự án du lịch mọc lên như nấm bất chấp điều kiện tự nhiên đã làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, môi trường nước và thu hẹp diện tích trồng cọ ở Marrakech”, nhà thủy văn học Nour Eddine Laftouhi thuộc Viện nghiên cứu khoa học Marrakech cho biết. Theo chuyên gia Laftouhi, số lượng sân gôn tăng chóng mặt ở Marrakech đã góp phần tàn phá những cây cọ còn sót lại ở Marrakech.
Mặc dù chỉ có khoảng một triệu dân nhưng Marrakech có rất nhiều khách sạn, vô số bể bơi và nhà nghỉ xây dựng theo kiểu truyền thống. Đa phần các nhà nghỉ này được người dân khá giả gốc Marốc hoặc một số người nước ngoài có tiền mua lại. Chính vì lẽ đó, những người nghèo lại dạt ra ngoại vi thành phố. Thực trạng này làm những người dân còn sót lại nơi ốc đảo cọ thấy buồn và tiếc nuối. “Hồi trước, chỗ mà tôi đang đứng đây có một dòng suối chảy qua, dưới kia cũng có một, hai dòng suối nữa. Nhìn đâu cũng thấy suối. Vậy mà kể từ khi người ta xây dựng biệt thự, khách sạn, các dòng suối và những cây cọ đã biến mất...”, Boujemâa, một người dân ở ốc đảo không giấu nổi sự tiếc nuối, tâm sự.
Trước thực trạng trên, nhằm bảo vệ ốc đảo cọ, nhà chức trách địa phương đã đưa ra một chương trình lớn từ năm 2007 với mục tiêu trồng 430.000 cây cọ trong vòng một năm. “Nhờ có nhà máy xử lí nước thải và các giếng nước tại địa phương mà chúng tôi đã có một lượng nước khá lớn để tưới cho cọ”, ông Abdelilah Mdidech, Giám đốc chương trình bảo tồn ốc đảo cọ do quỹ Mohammed VI về môi trường thành lập, cho biết.
Hàng ngày, hàng trăm công nhân ở Marrakech tích cực trồng những cây cọ nhỏ và chăm sóc những cây cọ lâu năm. Ông Mdidech cho hay: “Chúng tôi đã trồng được mới 415.292 cây cọ. Những cây cọ này bắt đầu lớn nhanh với tán lá xanh mướt tỏa bóng rất đẹp. Mặc dù không có đủ phương tiện, nhất là nước, để khôi phục lại ốc đảo cọ như trước đây nhưng tôi tin rằng với dự án này, ốc đảo cọ sẽ dần được tái sinh”.
Bình Minh