Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường an ninh trật tự, điển hình là giảm số vụ sử dụng xe máy làm phương tiện để cướp giật, ngày 1/1/2007, chính quyền thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã ban hành lệnh cấm toàn bộ xe máy tham gia giao thông ở thành phố này sau 15 năm ấp ủ.
Quảng Châu đã cấm toàn bộ xe máy tham gia giao thông vào ngày 1/1/2007. |
Kế hoạch dài hơi Thời điểm đó, ở Quảng Châu, xe máy thậm chí đã được dùng để đặt tên cho các băng nhóm tội phạm chuyên dùng xe máy để làm phương tiện cướp giật. Báo “Nam Phương đô thị” dẫn con số thống kê cho biết từ tháng 1 đến tháng 10/2003, ở Quảng Châu đã xảy ra 9.320 vụ sử dụng xe máy để cướp, trung bình mỗi ngày hơn 30 vụ.
Theo lãnh đạo chính quyền Quảng Châu lúc đó, nếu không có xe máy, tình hình trật tự trị an sẽ tốt lên nhiều. Còn theo kết quả đánh giá môi trường của Trạm trung tâm Giám sát môi trường Quảng Châu, sau khi cấm xe máy toàn diện, cả thành phố này mỗi năm sẽ giảm ít nhất lượng khí thải CO2 là 2,4 vạn tấn, ô nhiễm tiếng ồn ban đêm cũng sẽ giảm mạnh.
Trước đó, theo kết quả điều tra năm 2005, sẽ có khoảng 790.000 lượt xuất hành bằng xe máy của Quảng Châu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Nếu thực hiện lệnh cấm xe máy toàn diện, sẽ có tới 400.000 lượt chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, 150.000 chuyển sang sử dụng xe đạp, 70.000 chuyển sang đi bộ và 140.000 sử dụng xe con của gia đình.
Để thực hiện lệnh cấm trên, cảnh sát giao thông Quảng Châu đã đưa ra một số biện pháp quản lý sau khi thực hiện lệnh cấm. Một là, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thiết lập các trạm kiểm tra, tăng cường quản lý xe vi phạm. Hai là, tiến hành giáo dục cải chính, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Trong 15 ngày đầu sau khi thực hiện lệnh cấm, sẽ lấy tuyên truyền giáo dục là chính, chưa tiến hành phạt ngay. Bắt đầu từ ngày 16/1/2007, lệnh cấm xe máy ở Quảng Châu kết thúc thời kỳ đệm, chính thức bước vào giai đoạn xử phạt.
Để đi vào thực hiện lệnh cấm, Quảng Châu khuyến khích người dân sớm làm thủ tục thanh lý xe máy bằng cách cấp tiền bồi thường. Theo quy định, đối với những xe sử dụng chưa đầy 10 năm, số tiền bồi thường sẽ được tính bằng số tiền thực tế mua xe trừ đi mức chênh lệch hao mòn tài sản trong thời gian sử dụng; đối với những xe đã sử dụng 10 năm nhưng chưa đến 13 năm thì được tính theo mức 35 NDT nhân với số tháng thanh lý trước thời hạn. Đối với những xe đã sử dụng quá 13 năm, áp dụng chung một mức bồi thường 50 NDT.
Sau lệnh cấm xe máy, nhiệm vụ của các phương tiện công cộng trở nên nặng nề hơn. Để giải quyết vấn đề đi lại của người dân, chính quyền địa phương đã đưa ra giải pháp mở rộng phạm vi phục vụ của mạng lưới giao thông công cộng. Theo số liệu của ngành giao thông Quảng Châu, kể từ khi hạn chế xe máy tháng 5 năm 2004 đến cuối năm 2006, trước thời điểm thực hiện lệnh cấm, Quảng Châu đã tăng thêm tổng cộng 37 tuyến đường xe buýt, trong đó có 22 tuyến ban đêm, tăng 300 xe buýt…
Tính đến thời điểm cấm xe máy, cả thành phố Quảng Châu có tất cả 357 tuyến xe buýt chạy ban ngày và 40 tuyến chạy ban đêm, với 8.356 xe, tính trung bình cứ 10.000 người có 15,9 xe buýt tiêu chuẩn, hơn cả Bắc Kinh (15,2) và Thượng Hải (15,3), có thể đáp ứng tương đối tốt nhu cầu giao thông công cộng tăng mới sau khi thực hiện lệnh cấm xe máy. Ngoài ra, thành phố còn phát triển giao thông đường sắt như tàu điện ngầm và đến cuối năm 2006 đã khai thông được tuyến tàu điện ngầm số 1,2 và một số đoạn tuyến số 3, 4, 8 với tổng chiều dài là 59 km. Đến năm 2010, với 9 tuyến tàu điện ngầm, có chiều dài khoảng 250 km, lượng vận chuyển hành khách hàng năm của Quảng Châu đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ lượt người.
Cơ quan chức năng phụ trách giao thông thành phố Quảng Châu đã phải tăng số chuyến phục vụ để thời gian đợi xe buýt đảm bảo không quá 10 phút một chuyến. Lượt xuất bến tăng lên, hành khách không phải đợi quá lâu nhưng lại tạo áp lực đối với ngành giao thông do lượng khách quá ít. Theo một doanh nghiệp xe buýt, từ khi mở một số tuyến tàu điện ngầm, rất nhiều tuyến xe buýt - trừ lúc cao điểm - còn đa phần mỗi lượt xe buýt chỉ có chưa đầy 10 khách.
(Còn tiếp)
Hải Yến (
P/v TTXVN tại Trung Quốc)