Các phạm nhân thuộc trại giam trên đảo Bastoey, phía nam Oslo, được tự do đi lại trong không gian giống như một ngôi làng. Họ có thể cho thú ăn, trượt tuyết, nấu ăn, chơi tennis và đánh bài. Họ có bãi tắm riêng, và thậm chí vận hành một chiếc phà vận chuyển hành khách giữa đảo và đất liền. Mỗi buổi chiều, phần lớn nhân viên nhà tù đều về nhà, chỉ một số cai ngục ở lại để trông coi 115 tội phạm. Giám đốc nhà giam Tom Eberhardt nói: "Chúng tôi có một thứ gọi là 'nguyên tắc tiêu chuẩn' trong cải tạo ở Na Uy. Đời sống hàng ngày trong trại không nên khác với bên ngoài".
Tù nhân ở trại Bastoey vận hành một trang trại. |
Trại giam còn lại cũng khiến người ta phải trầm trồ nằm ở Halden, cũng ở miền nam Na Uy, gần biên giới Thụy Điển. Năm 2014, một kênh truyền hình Phần Lan đã đưa một quản giáo về hưu từ New York có tên là James Conway tới Halden. Ông này nhận xét: "Tôi không nghĩ ở đây không thể nào tự do hơn được nữa trừ khi người ta trao cho phạm nhân chìa khóa cửa". Ông giật mình khi thấy dao kéo bằng thép trong bếp, xưởng chế tạo thì có đầy đủ cưa, kìm và giũa kim loại, studio của phạm nhân có đủ loại nhạc cụ.
Ông Jan-Erik Sandlie, Phó giám đốc Cục cải tạo Na Uy nói” "Người phạm tội thường bắt đầu thời gian thụ án ở một nhà tù an ninh nghiêm ngặt. Các cơ sở cải tạo sau đó sẽ cân nhắc liệu có nên chuyển họ sang một nơi có an ninh thấp hơn hay không. Việc này là nhằm để họ quay trở lại tự do dễ dàng hơn". Sau đó, khi sắp mãn hạn tù, phạm nhân thường được đưa tới các nhà tái hòa nhập, vốn rất giống với cuộc sống bình thường. Trong giai đoạn này, họ có thể được tạm không chịu án tù, được về thăm nhà. Lúc này trọng tâm là đưa họ về với xã hội thông thường.
Theo Cục cải tạo Na Uy, nhà tù chỉ nên là một nơi giới hạn sự tự do. Điều đó có nghĩa người phạm tội nên có mọi quyền tương tự như mọi khác sống ở Na Uy, và cuộc sống trong trại nên giống bên ngoài nhất có thể. Chẳng hạn, tất cả tù nhân Na Uy có quyền học tập, được phép bầu cử. Án tù thường rất ngắn. Trung bình không dài hơn 8 tháng, và gần 90% án tù là dưới 1 năm.
"Điều này có nghĩa là phạm nhân sớm hay muộn cũng trở lại xã hội. Cộng với án tù ngắn, như thế có nghĩa việc cải tạo càng quan trọng hơn", Anders Giaever, một nhà bình luận của tờ VG cho hay. Chỉ có 94 người ở Na Uy, một trong số đó là sát thủ Anders Breivik, bị kết án "giam giữ phòng ngừa" ở một nhà tù an ninh cực cao. Điều đó có nghĩa họ có thể phải ngồi nhà giam quá thời hạn lâu nhất theo luật là 21 năm nếu tiếp tục bị coi là nguy hiểm cho xã hội.
Tất nhiên ở Na Uy, cũng có người chỉ trích hệ thống nhà tù nước. Nhiều người coi nó quá mềm mỏng. Nhưng không phải vì thế mà nói nó không có hiệu quả. Khi tội phạm Na Uy được thả, họ thường ít tái phạm. Tỉ lệ tái phạm 20% của Na Uy thuộc vào hàng thấp bậc nhất thế giới. Ngược lại, ở Anh con số đó là 45%, trong khi ở Mỹ 75% tù nhân bị bắt lại trong vòng 5 năm. Người ta cũng chỉ ra rằng quá trình cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng thành công cũng đang giúp tiết kiệm rất nhiều tiền.
Tuy nhiên, mô hình Na Uy cũng đã gặp vấn đề trong những năm qua. Gần 35% tổng số phạm nhân ở Na Uy tới từ các nước khác, chủ yếu là Ba Lan, Litva và Romania. "Với nhiều phạm nhân người nước ngoài, những tiến bộ của trại giam thực ra không đáng quan tâm lắm vì cuối thời gian thụ án họ có thể bị trục xuất hoặc bị dẫn độ về nước mình để hoàn thành nốt án tù", Jan-Erik Sandlie cho hay.
Cho tới nay, cả các chính trị gia và công chúng đều chưa thấy cần thiết phải thay đổi hệ thống hình phạt và cách tiếp cận nhân văn của Na Uy.