Thế giới bên dưới lòng đất trong các căn hầm trú ẩn hạt nhân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Cuối những năm 1960 và 1970, đề phòng khả năng bụi phóng xạ từ một cuộc chiến tranh lạnh hạt nhân, cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông chỉ đạo các thành phố của nước này xây dựng các căn hộ có hầm trú bom có khả năng chống chịu một vụ nổ bom hạt nhân. Riêng ở thủ đô Bắc Kinh, khoảng 10.000 hầm trú ẩn đã được xây dựng.
Đầu những năm 1980 khi Trung Quốc mở cửa với thế giới, những hầm trú ẩn này được chuyển đổi thành các khu dân cư nhỏ cho thuê lấy lời.
Giờ đây, cứ đến tối, trên một triệu người, phần lớn là công nhân nhập cư và sinh viên đến từ các khu vực nông thôn, biến mất vào lòng đất dưới các con phố đông đúc của thủ đô Bắc Kinh.
Bị cuốn hút bởi hiện tượng này, tháng 12/2015, nhiếp ảnh gia người Italy Antonio Faccilongo đến thủ đô Bắc Kinh để ghi lại hình ảnh và thông tin về những cư dân của lòng đất. Mặc dù không khó để tìm kiếm các hầm trú ẩn này, nhưng nhiếp ảnh gia người Italy cũng mất kha khá công sức để tìm được lối vào bên trong.
Ông Faccilongo luôn bị nhân viên anh ninh của khu vực chặn đường, viện dẫn luật ngăn người nước ngoài bước vào các khu tị nạn hạt nhân. Khi ông Faccilongo gửi đơn cho chính quyền địa phương, yêu cầu của ông bị từ chối.
Kết quả là, tận dụng thời điểm các nhân viên an ninh vắng mặt vào giờ ăn trưa, ông Faccilongo lọt được vào bên trong.
“Tôi đã gặp khoảng 150 người và chỉ 50 người cho phép tôi [chụp ảnh họ]. Một số người lo sợ bởi vì họ đã nói với gia đình [ở quê] rằng họ có công việc tốt và đang sống trong các căn hộ tốt”, ông Faccilongo kể.
Theo nhiếp ảnh gia người Italy, điều kiện sống trong các hầm trú ẩn tương đối khó khăn. Dù nơi đây được cung cấp điện, nước và hệ thống xử lý chất thải để con người có thể sống trong vài tháng nếu có chiến tranh hay bụi phóng xạ, nhưng tình trạng bức bí khiến không khí có mùi mốc meo.
Bên trên là phố xá thoáng đãng, bên dưới lòng đất là chiếc 'ti vi' điện thoại trên giường trong căn hầm trú ẩn hạt nhân được chuyển đổi công năng.
|
Cư dân dưới lòng đất của thủ đô Bắc Kinh dùng chung bếp và phòng vệ sinh. Dù luật địa phương yêu cầu không gian sống tối thiểu của người thuê trọ là 4 m2, song trong nhiều trường hợp, quy định này bị bỏ qua.
Một trường hợp ông Faccilongo bắt gặp là tình cảnh của gia đình cháu Jing Jing 4 tuổi. Cháu sống cùng bà, bố và em trai trong một căn phòng chỉ đủ lọt một chiếc giường. Mái ấm của họ nằm cạnh một không gian lớn hơn được sử dụng làm chỗ đỗ xe máy.
Năm 2010, thành phố Bắc Kinh cấm việc biến hầm trú ẩn hạt nhân và các không gian khác thành nơi sinh sống nhưng nỗ lực này vấp phải nhiều trở ngại và đến nay không mang lại kết quả. Lý do chính là vì cư dân của thế giới lòng đất này không còn nơi nào khác để đi.
Trong vài thập kỷ qua, thủ đô Bắc Kinh chứng kiến giá nhà tăng vọt. Trung bình, một mét vuông nhà ở tại đây có giá 5.820 USD. Với mức giá này, Bắc Kinh trở thành thành phố sống đắt đỏ thứ ba thế giới.
Mặc dù vậy, hàng triệu người nhập cư từ các khu vực nông thôn vẫn tìm đến thủ đô để mong tìm được cơ hội tốt hơn.
Vì ít có cơ hội tiếp cận nhà dành cho người thu nhập thấp, nhà công cộng, lao động nhập cư không còn nhiều cơ hội lựa chọn ngoài các căn hầm hạt nhân.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ sống ở thế giới dưới lòng đất này vẫn tin rằng cuộc sống khó khăn hiện nay của họ là bước đầu trước khi họ đủ khả năng tài chính để có một căn phòng với cửa sổ và ánh sáng mặt trời.
Một hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng khác trong những năm qua ở Trung Quốc là các địa điểm trú ngụ không người này được biến thành các trung tâm cộng đồng có phòng ăn, phòng chơi bi a, phòng karaoke và trường thư pháp để cư dân các tầng lớp xã hội khác nhau của thế giới ngầm của Bắc Kinh có cơ hội gặp gỡ và giao lưu.