Nam thanh niên sống sót sau 11 tiếng bám càng hạ cánh bay 'chui'

Một người đàn ông đã may mắn sống sót sau khi bám càng máy bay suốt 11 tiếng đồng hồ vượt quãng đường hơn 9.000 km từ Nam Phi sang thủ đô London (Anh).

Chú thích ảnh
Themba Cabeka (phải), vẫn phải dùng nạng sau 5 năm được tìm thấy bất tỉnh ở sân bay Heathrow. Ảnh: Dailymail

Theo báo Anh Dailymail, sự việc xảy ra vào ngày 18/6/2015. Anh Themba Cabeka hôn mê trong bệnh viện 6 tháng sau khi được phát hiện bất tỉnh trên một đường băng tại sân bay Heathrow. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị thiếu ô-xy và phải chịu đựng nhiệt độ -60 độ C trong một thời gian dài khi chiếc máy bay của hãng hàng không British Airways bay từ Johannesburg tới London.

Chỉ vài phút trước khi máy bay hạ cánh, Carlito Vale – người bạn đồng hành cùng Cabeka bám càng máy bay – đã không thể chịu được và rơi khỏi. Thi thể của anh tìm được trên một tòa nhà văn phòng ở Richmond, cách sân bay Heathrow chỉ vỏn vẹn 10 km.

Cabeka nhớ lại: “Khi máy bay di chuyển, tôi có thể nhìn thấy mặt đất, xe cộ, người tí hon. Sau một lúc, tôi bất tỉnh vì thiếu ô-xy. Điều cuối cùng tôi nhớ là khi máy bay cất cánh, Vale đã nói với tôi ‘Tuyệt vời, chúng ta đã làm được’.” 

Trong số 109 vụ “bay chui” trên toàn thế giới, với điểm đến phổ biến nhất là London, chỉ có 24 người sống sót. Người sống sót đầu tiên được biết đến là Bas Wie (12 tuổi) đã lén bay trên một chuyến bay từ Indonesia sang Australia năm 1946.

Chỉ có 2 người duy nhất sống sót sau màn “bay chui” tới nước Anh: một là Pardeep Saini – thợ sửa xe tại Punjab chịu đựng suốt 10 tiếng bay từ Delhi tới London vào năm 1996, và hai là Cabeka. Cho đến giờ, sau 25 năm thoát chết, Saini vẫn còn ám ảnh bởi hành trình khốc liệt kia, khi em trai của ông đã bị chết cóng trong chuyến bay.

Chú thích ảnh
Một máy bay của hãng hàng không British Airways. Ảnh: Getty Images

Ở Johannesburg, Cabeka là một đứa trẻ mồ côi và sống tại khu cắm trại gần sân bay Johannesburg. Cabeka gặp Vale trong một câu lạc bộ đêm. Từ đây, họ lên kế hoạch nhập cảnh trái phép sang Anh.

Kế hoạch bỏ trốn của họ được lên ý tưởng sau khi Vale đưa cho Cabeka quyển sách kỹ thuật về máy bay. Cabeka cho biết: “Tôi ghi nhớ mọi chi tiết để chúng tôi nếu muốn lên máy bay, chúng tôi vẫn có cách”.

Tối 18/6/2015, cặp đội tới sân bay, trèo qua hàng rào và vào đường bay. Họ mặc đồ đen để không ai nhìn thấy và trốn trong 15 phút trước khi tìm thấy chiếc máy bay của hãng hàng không British Airways đang chuẩn bị cất cánh. Cabeka cho biết bọn họ cố tình không chọn các hãng hàng không của Mỹ vì không muốn bay qua biển lớn.

Chiếc máy bay khởi hành lúc 22h15 đi London. Đây là lần đầu tiên cả hai người đàn ông trèo lên máy bay. 

Cabeka buộc mình vào máy bay bằng một sợi dây cáp điện quấn quanh cánh tay. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Cabeka bất tỉnh do thiếu ô-xy. Các chuyên gia hàng không cho biết rất hiếm người sống sót khi phải ở trong một bộ phận máy bay không có lò sưởi, không được tăng áp.

Cabeka vẫn không thể tin được mình vẫn sống trong nhiệt độ giảm tới -60 độ C. Các bác sĩ tin rằng Cabeka rất may mắn khi nhờ nhiệt độ đóng băng mà cơ thể anh ta được đặt trong trạng thái ‘hoạt hình treo”. Đây là quá trình chậm lại hoặc dừng tạm thời của chức năng sinh học để khả năng sinh lý được bảo tồn.Với nhiệt độ cơ thể hạ thấp, tim, não và các cơ quan quan trọng khác được đặt ở chế độ "chờ", do đó chúng không cần nhiều ô-xy và hạn chế tổn thương tế bào cùng các cơ quan.

“Tôi may mắn không bị thương ở đầu. Tôi có hai vết bỏng trên cánh tay, nhưng bây giờ không sao vì tôi đã phẫu thuật”, Cabeka chia sẻ. Hiện Cabeka đã được Anh cấp tình trạng tị nạn và ở lại châu Âu.

Đạo diễn phim tài liệu Rich Bentley, người đã tìm đến Cabeka phỏng vấn, cho biết những cái chết như Vale và nhiều người “bay chui” khác dường như không thể ngăn cản những người đang tuyệt vọng tìm đến phương thức mạo hiểm như thế này.

"Tôi đã nói chuyện với một số người trốn bằng đường hàng không và câu chuyện của họ cũng vậy. Những người như Themba Cabeka ở trong một tình huống không có sự lựa chọn. Chúng tôi khám phá các câu chuyện khác nhau và nhận ra rằng  những người này đang ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào. Tôi hy vọng với câu chuyện này, mọi người hãy xem đây như một bài học để không mạo hiểm mạng sống của mình”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Hai người may mắn sống sót sau 19 ngày lạc trong vườn quốc gia
Hai người may mắn sống sót sau 19 ngày lạc trong vườn quốc gia

Sau 19 ngày lạc trong vườn quốc gia Kahurangi rậm rạp phía Tây Bắc của đảo Nam, New Zeland, Dion Reynolds và Jessica O'Connor, 23 tuổi, đã may mắn sống sót và được trực thăng cứu hộ đưa ra khỏi khu rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN