Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra lây lan toàn cầu, một số người trong giới nhà giàu Mỹ đã tìm đến các boong-ke trú ẩn xây dựng sẵn tại New Zealand.
Đầu tháng Ba, dịch bệnh bắt đầu càn quét nước Mỹ. Một nhà lãnh đạo cấp cao thuộc một công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã gọi điện cho nhà sản xuất boong-ke Rising S Co. Ông muốn biết cách mở cánh cửa bí mật trong boong-ke nằm sâu dưới lòng đất hơn 3m của mình tại New Zealand.
Gary Lynch – Tổng Giám đốc Rising S Co – cho biết khách hàng của ông chưa từng sử dựng cơ sở boong-ke đó và không thể nhớ cách mở cửa.
“Ông ấy muốn hỏi cách mở cửa, hỏi về hệ thống điện và nước nóng hoặc liệu rằng ông có cần thêm nước hay máy lọc không khí hay không”, Tổng Giám đốc Lynch chia sẻ.
Người doanh nhân này đã tới New Zealand để trốn đại dịch đang xảy ra tại Mỹ và cho đến hiện giờ, “ông ấy vẫn ở đó”.
Trong nhiều năm, New Zealand được coi là vùng đất lý tưởng cho những người giàu tại Mỹ chọn để trú ẩn trong trường hợp xảy ra thảm kịch. Nằm tách biệt ngoài rìa Trái Đất, cách Australia 1.600 km về phía Nam, New Zealand chỉ có 4,9 triệu dân. Quốc gia này sở hữu một vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời cùng với hệ thống y tế tốt và tình hình chính trị ổn định.
Một vài tuần trở lại đây, New Zealand được ca ngợi về phản ứng cũng như cách thức xử lý trước đại dịch. Quốc gia này đã áp dụng lệnh phong tỏa sớm kéo dài 4 tuần, và hiện ghi nhận các ca hồi phục nhiều hơn ca nhiễm mới. Chỉ có 12 người tử vong vì bệnh dịch, trong khi ở Mỹ, con số đó đã lên tới trên 39.000 người.
Ngày 12/3, Mihai Dinulescu – chủ một công ty khởi nghiệp về tiền ảo tại Thung lũng Silicon – đã gói ghém đồ đạc và bay tới New Zealand.
“Nỗi sợ của tôi là ngay bây giờ hoặc không bao giờ, vì tôi nghĩ họ sẽ đóng cửa biên giới”, ông chủ 34 tuổi chia sẻ.
Nhờ bạn bè trông hộ tài sản, Dinulescu cùng vợ đặt chuyến bay sớm nhất. Chỉ 12 giờ sau, họ lên máy bay tới Auckland, trước 4 ngày New Zealand ra lệnh đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài.
Không chỉ boong-ke trú ẩn, nhiều người giàu nước Mỹ, có thể kể đến như nhà quản lý quỹ đầu cơ Julian Robertson, đạo diễn phim Hollywood James Cameron và người sáng lập Paypal Peter Thiel, đã dành tiền mua bất động sản tại New Zealand.
Đối với Dinulescu, mặc dù không có nhà riêng song anh không có ý định quay trở về Mỹ cho đến khi dịch bệnh có dấu hiệu giảm. Anh đang sống tại một ngôi nhà 2 tầng gồm 3 phòng ngủ trên đảo Waiheke với số tiền thuê lên tới 2.400 USD/tháng – chỉ bằng 1/3 so với số tiền thuê gia đình anh trả mỗi tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ ở San Francisco.
Perrin Molloy, một nhà xây dựng địa phương sống trên đảo Waiheke từ năm 11 tuổi, miêu tả hòn đảo có dân số chỉ vỏn vẹn 9.000 người này là sân chơi của các nhà tỷ phú. Molloy thường được liên lạc để thực hiện công việc sửa chữa bên trong các biệt thự lớn không có người ở quanh năm trên đảo. Những ngôi nhà này được thiết kế để trở thành nơi trú ẩn cho các nhà tỷ phú.
Thông thường tại Waiheke, các nhà xây dựng không biết danh tính của chủ nhà mà họ đang làm việc cho. Theo anh Molloy, yêu cầu cải tạo các cơ sở liên quan đến ngày tận thế diễn ra khá thường xuyên. Một trong những đồng nghiệp của Molloy đã từng tham gia xây dựng một ngôi nhà trị giá 12 triệu USD có lắp đặt đường hầm dẫn khí đủ cho 4 người hoạt động trong đó.