Tại Nhật Bản, đó vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải, đặc biệt là tại các điểm du lịch nổi tiếng. Thành phố Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản là một trong số đó.
Theo hãng tin CNN, hồi tháng 4 vừa qua, chính quyền thành phố đã ban hành một quy định chính thức yêu cầu du khách không được ăn khi đang đi bộ. Mối lo lớn nhất từ hiện trạng này là rác thải từ những túi gói đồ và thức ăn bị du khách bỏ lại trên đường, có thể thu hút động vật và buộc người dân địa phương phải dọn dẹp.
Kamakura nằm cách Yokohama 30 km về phía Tây Nam, là một thành phố du lịch nổi tiếng với những ngôi chùa, đền cổ và bãi biển tuyệt đẹp.
Một đại diện thành phố Kamakura cho biết quy định – được in và treo tại các địa điểm công cộng – mong muốn nâng cao ý thức của du khách thay vì phạt họ. Trong quy định, không có hình phạt dành cho bất kỳ ai vi phạm.
Komachi-dori – con phố tấp nập với nhiều cửa hàng buôn bán – là một địa điểm mà du khách rất thích tới đây thưởng thức món ăn đường phố. Theo số liệu đăng trên báo Japan Today, mỗi ngày Komachi-dori tiếp đón 50.000 – 60.000 lượt khách tới đây trong khi con phố chỉ dài vỏn vẹn 350 m.
Không chỉ lo ngại về rác thải, nhiều người Nhật Bản tin rằng hành động vừa đi vừa ăn thể hiện người đó không biết quý trọng đồ ăn. Quan điểm này có từ thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II, khi lúc đó lương thực khan hiếm và là một thứ mà nhiều người trân quý.
Việc du khách tập trung ăn ngoài đường không phải là nỗi trăn trở chỉ đối với Nhật Bản.
Tại thành phố Florence, Italy, một khu trong trung tâm thành phố đã ban hành lệnh cấm không ăn uống “tại vỉa hè, đường phố, trước cửa các cửa tiệm, nhà ở”.
Đó không chỉ là vấn đề vệ sinh – mà đây là một khu vực đông dân lúc nào cũng bận rộn trong thành phố, mọi người ngồi xuống vỉa hè ăn sẽ rất khó để cho người khác đi qua. Tuy nhiên, khác với ở Nhật Bản, chính quyền thành phố Florence phạt những ai vi phạm quy định 500 euro (13 triệu đồng).
Trong khi đó, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) – thiên đường ẩm thực đường phố, giới chức địa phương vẫn đang đau đầu tìm cách giải quyết các khu chợ trời và quán hàng rong.
Một số người dân địa phương muốn hạn chế hoặc thậm chí đóng cửa vì người dân tập trung ngày càng đông tại những khu vực đó, trong khi những người khác tin rằng vẫn có một cách nào đó vừa giữ nguyên nét văn hóa ẩm thực đường phố vừa không làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, ví dụ như vấn đề buôn bán tràn lan ra đường.