Theo kênh truyền hình CNN, Học viện Bách khoa Rensselaer ở ngoại ô New York (Mỹ) đã kiện công ty vệ sinh Daigle Cleaning Systems bồi thường thiệt hại hơn 1 triệu USD và chi phí pháp lý liên quan đến vụ việc. Học viện Bách khoa Rensselaer đã thuê người lao công này từ công ty Daigle đến làm việc trong một vài tháng năm 2020.
Theo đơn kiện gửi lên Tòa án Tối cao Hạt Rensselaer, tủ đông của phòng thí nghiệm chứa hơn 20 năm nghiên cứu, bao gồm nuôi cấy tế bào và các mẫu phẩm. Người lao công trực tiếp ngắt điện tủ đông không bị kiện. Học viện Bách khoa Rensselaer cho rằng người này không có lỗi mà thay vào đó trách nhiệm phải thuộc về Daigle Cleaning Systems vì đã không đào tạo và giám sát nhân viên đúng cách.
“Bị cáo, do bất cẩn trong việc giám sát, đã gây ra thiệt hại cho một số mẫu nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm,” Học viện Bách khoa Rensselaer tuyên bố.
“Chúng tôi không tin công ty vệ sinh có bất kỳ hành vi bất chính nào. Đây là hậu quả do lỗi con người. Tuy nhiên, cốt lõi của vụ việc là công ty vệ sinh đã không đào tạo nhân viên một cách bài bản. Người dọn vệ sinh nên được đào tạo không tìm cách khắc phục sự cố về điện”, Michael Ginsberg, luật sư của Rensselaer, nêu rõ.
Trong đơn kiện, học viện Rensselaer cho biết các mẫu nuôi cấy tế bào và mẫu vật trong tủ đông cần được duy trì ở nhiệt độ -80 độ C và một dao động nhỏ trong khoảng 3 độ sẽ gây ra thiệt hại. Do đó, chuông báo động sẽ phát ra nếu nhiệt độ tăng lên -78 độ hoặc giảm xuống -82 độ.
K.V. Lakshmi, Giáo sư kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời Sinh hóa Baruch của trường, nhận thấy cảnh báo tủ đông đã được kích hoạt vào khoảng ngày 14/9/2020 khi nhiệt độ của tủ tăng lên -78 độ.
Đơn kiện cho biết mặc dù báo động được kích hoạt song nhóm của Giáo sư Lakshmi xác định các mẫu tế bào vẫn sẽ an toàn cho đến khi tủ đông được sửa chữa khẩn cấp. Trong khi trường học đợi nhà sản xuất tủ đông đến sửa chữa, nhóm của Giáo sư Lakshmi đã thêm một hộp khóa an toàn xung quanh ổ cắm của tủ đông. Nhà trường cũng đã dán nhãn cảnh báo trên tủ đông.
“Tủ đông lạnh này phát ra tiếng beep, cần được sửa chữa. Vui lòng không dịch chuyển hoặc rút phích cắm. Không cần dọn sạch quanh khu vực này. Bạn có thể ấn nút tắt báo động trong 5-10 giây nếu muốn tắt âm thanh”, dán nhán cảnh báo viết.
Tuy nhiên, vào ngày 17/9, theo lời kể của nhân viên vệ sinh, anh ta đã nghe thấy “tiếng chuông báo động khó chịu”. Trong một nỗ lực rõ ràng là muốn giúp sửa chữa, nhân viên này bật cầu dao do tưởng tủ đông đang tắt, nhưng anh nhầm chuyển chúng từ trạng thái “bật” thành “tắt”. Do đó, nhiệt độ của tủ đông đã tăng lên -32 độ C. Ngày hôm sau, các sinh viên nghiên cứu phát hiện ra tủ đông đã tắt. Mặc dù đã nỗ lực cứu song phần lớn các mẫu phẩm đã bị tổn hại, phá hủy và khiến kết quả nghiên cứu hơn 20 năm không thể cứu vãn được.