Hàng trăm người ở Pakistan đã tham gia ngành kinh doanh bọ cạp, một công việc giúp nhiều người mưu sinh và làm giàu nhưng cũng gây lo ngại rằng việc săn bắt loài động vật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái. Một con bọ cạp đen nặng hơn 60g có thể bán được ít nhất 50.000 USD. |
Nghề săn bọ cạp Ngồi trong văn phòng ở một khu vực hẻo lánh thuộc tỉnh Sindh, Pakistan, Naveed Gauri Khan đang đợi người cung cấp bọ cạp. Khan liên tục nhận được các cuộc điện thoại của những người môi giới đưa ra giá bán bọ cạp. Khan, giới thiệu mình là người đại diện cho một hãng dược phẩm Thụy Điển, là một trong số hàng trăm người tham gia vào ngành buôn bán bọ cạp siêu lợi nhuận ở Pakistan.
Bọ cạp là nguồn nguyên liệu quý trong ngành y học. Theo Khan, một con bò cạp đen nặng 60g có thể bán được ít nhất 50.000 USD. Trọng lượng của bọ cạp rất quan trọng và được cho là liên quan tới tuổi thọ của loài không xương sống này.
Trong những năm gần đây, những người sở hữu các khu đất rộng có nhiều bọ cạp ở quận Thatta, tỉnh Sindh, và khu vực xung quanh đã bỏ tiền thuê nông dân nghèo săn bọ cạp cho họ. Shahid và Sohail là hai thanh niên trong số những người được thuê săn bọ cạp. Lớn lên ở quận Thatta, hai anh chưa từng biết sợ vết cắn có độc của bọ cạp, vì họ thường chơi trò bắt bọ cạp khi còn nhỏ. Họ chưa từng nghĩ rằng trò chơi con trẻ lại có thể khiến mình “trở thành triệu phú ngay lập tức” nếu may mắn bắt được một con bọ cạp còn sống.
Bọ cạp ngủ đông để trốn thời tiết lạnh giá và ra ngoài khi trời nóng, nên giới săn bọ cạp như Shahid và Sohail thường lên đường vào những đêm nóng nực nhất trong năm. Sau khi bắt được bọ cạp còn sống, họ nộp cho chủ đất và nhận được thù lao khoảng 100 USD cho một con bọ cạp sống nặng hơn 40 g. Sau đó, bọ cạp từ các chủ đất sẽ qua tay các thương lái như Faraz. “Mỗi lần có một hợp đồng suôn sẻ, tôi cảm giác như vừa trúng số”, Faraz hào hứng kể. Đến được với người mua, giá của bọ cạp cũng theo đó mà tăng lên hàng nghìn USD.
Rủi ro và hệ lụyTuy Pakistan chưa có luật chính thức về việc cấm buôn bán bọ cạp, nhưng những khách hàng như Gauri Khan, hay tư thương như Faraz cũng gặp nhiều rủi ro trong công việc. Rủi ro thường gặp nhất là những cuộc giao dịch bất thành do thiếu sự tin tưởng.
Sau khi chờ đợi 3 tiếng đồng hồ ở văn phòng, Gauri Khan cuối cùng đã nhìn thấy Faraz xuất hiện nhưng lại đến tay không. Có vẻ đây là chuyện thường xuyên xảy ra ở đây. “Họ (người săn và thương lái) không cho xem bò cạp nếu không tin người mua”, Khan nói. Còn Faraz thì giải thích rằng anh chỉ mang theo hàng sau khi đã thỏa thuận được hợp đồng.
Nhiều lần, người mua bọ cạp và thương lái nhận được cuộc gọi tới địa điểm nhận bọ cạp. Thế nhưng rất có thể đó là một âm mưu bắt cóc. Ngoài ra, gặp phải cảnh sát địa phương cũng là nỗi e ngại của người săn bọ cạp và thương lái.
Jamal Akhtar, một thương lái ở Thatta, kể lại rằng hồi tháng 8, trên đường tới Karachi thì anh bị cảnh sát chặn lại và phát hiện hai con bọ cạp 70 g trong xe ô tô. Akhtar không bị phạt nhưng bị giữ lại trạm cảnh sát Makli đêm đó. Những con bò cạp cũng không được trả lại. “Người ta sẽ cười vào mặt tôi nếu tôi báo bị mất bọ cạp. Hơn nữa, ai có thể báo cáo về việc bị cảnh sát lấy mất bọ cạp đây?” Akhtar nói.
Ngoài những rủi ro trong công việc buôn bán, nghề săn bọ cạp cũng tiềm tàng nhiều nguy hại đến hệ sinh thái nơi đây. Pannu, một người chuyên săn rắn và bọ cạp, cho biết bọ cạp hay được cho ăn thằn lằn, tắc kè. Nhưng bọ cạp cũng là thức ăn của rắn. “Nếu bắt quá nhiều bọ cạp, sẽ tới một ngày rắn không có gì ăn”, Pannu nói.
Tuy nhiên, săn bắt bọ cạp không phải nghề bất hợp pháp, chính phủ Pakistan cũng chưa hề có động thái bảo vệ loài này, nên Pannu “không thấy có lý do gì để lỡ cơ hội kiếm thêm chút tiền”.
Hạnh Nhân (Theo Aljazeera.com)