Thật khó để tin rằng đàn ông và phụ nữ cùng lớn lên trong một cộng đồng lại có thể không cùng nói một thứ ngôn ngữ. Nhưng tại Ubang, nét văn hoá độc đáo này đã tồn tại từ lâu đời. Chính quyền địa phương và người dân Ubang đang nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh tiếng Anh ngày càng được giới trẻ ưa chuộng.
Không rõ tỉ lệ khác nhau của các từ trong 2 loại ngôn ngữ dành riêng cho nam giới và nữ giới tại Ubang chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, có đủ ví dụ cho thấy những người khác giới tại đây nói hai ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, đối với từ “quần áo”, nam giới sẽ nói là “nki”, trong khi phụ nữ sẽ nói “ariga”, từ “cây cối” sẽ được nam giới phát âm là “kitchi”, còn phụ nữ nói là “okweng”.
Những từ ngữ này không chỉ khác nhau về cách phát âm, mà còn khác nhau về cách viết, nhưng lại cùng được hiểu theo một nghĩa, miễn là ai cũng có thể nhớ được.
Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie nói với BBC: “Nó gần giống như hai từ vựng khác nhau. Có rất nhiều từ mà đàn ông và phụ nữ nói chung. Trong khi đó, cũng có những từ khác hoàn toàn tùy thuộc vào giới tính. Chúng không phát âm giống nhau và cũng không có cách viết giống nhau. Chúng là các từ hoàn toàn khác biệt”.
Nhưng điều thú vị là cả nam giới và phụ nữ ở Ubang đều có thể hiểu nhau một cách hoàn hảo. Điều này có thể do khi sinh sống cùng cha mẹ, cả bé trai và bé gái đều học được cả hai ngôn ngữ. Nhưng đến 10 tuổi, các bé trai sẽ phải nói bằng ngôn ngữ dành cho nam giới.
“Đến một độ tuổi nhất định, nam giới tự phát hiện mình đang không sử dụng ngôn ngữ chính xác của mình. Và khi cậu ấy bắt đầu chuyển sang ngôn ngữ dành cho đàn ông, điều đó có nghĩa là cậu ấy đã trưởng thành. Còn không, điều đó được xem là bất thường. Sẽ không ai nói với người đó rằng cậu phải chuyển sang nói ngôn ngữ của nam giới”, trưởng làng Oliver Ibang cho biết.
Không ai biết chính xác rằng truyền thống sử dụng hai ngôn ngữ ở Ubang bắt đầu từ khi nào và tại sao lại phải sử dụng ngôn ngữ theo cách này. Nhưng hầu hết người dân địa phương đều tin vào thuyết tôn giáo cho rằng Chúa đã tạo ra Adam và Eve là người Ubang, sau đó ban cho họ hai ngôn ngữ khác nhau. Chúa cũng định ban cho mỗi dân tộc hai ngôn ngữ, nhưng nhận ra rằng không có đủ ngôn ngữ cho tất cả cộng đồng. Đây là món quà dành riêng cho ở Ubang và khiến ngôi làng này trở nên khác biệt với tất cả các cộng đồng khác trên thế giới.
Trong khi đó, nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng việc sử dụng hai ngôn ngữ là kết quả của “nền văn hóa hai giới tính”, nơi đàn ông và phụ nữ hoạt động trong hai lĩnh vực riêng biệt và sống trong những thế giới riêng biệt, hiếm khi đến được với nhau. Tuy nhiên, bà thừa nhận đây là một giả thuyết không chắc chắn, vì văn hóa hai giới tính tồn tại ở nhiều vùng của châu Phi, ngoại trừ các ngôn ngữ khác nhau dành cho nam và nữ.
Người Ubang luôn tự hào về những khác biệt độc đáo trong ngôn ngữ. Nhưng ngày nay, khi tiếng Anh đang được những người trẻ tuổi ở Nigeria ưa chuộng, văn hoá hai ngôn ngữ của Ubang đứng trước nguy cơ mất đi vĩnh viễn. Lý do là hai loại ngôn ngữ ở Ubang không được tổng hợp và viết ra một cách có hệ thống, do đó tương lai của chúng phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Nhưng đáng tiếc, ngày càng ít bạn trẻ có thể nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ một cách trôi chảy.
Để bảo tồn các giá trị ngôn ngữ, nhiều giáo viên tại Ubang đã kêu gọi triển khai các giải pháp như xuất bản sách giáo khoa bằng tiếng Ubang, thậm chí là tiểu thuyết và phim ảnh.
Hiệp hội ngôn ngữ Nigeria cho biết, 50 trong số 500 ngôn ngữ của quốc gia này có thể biến mất trong tương lai, nếu không thực hiện các biện pháp bảo tồn. Việc giảng dạy ngôn ngữ bản địa Nigeria trong các trường học cũng là một phần của chính sách quốc gia về giáo dục, nhằm đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc.