Trời sẩm tối, Seema lại bắt đầu chuẩn bị cho một đêm làm việc trên các con phố ở thủ đô Niu Đêli. Anh lặng lẽ đặt hai quả bóng bằng mút vào trong chiếc áo ngực rỗng không. Đứng trước gương, người đàn ông 33 tuổi giật mạnh đám râu lởm chởm dưới cằm, rồi phết lên mặt lớp kem từ chiếc hộp trang điểm hình trái tim. Cuối cùng, Seema lấy lược chải hết mớ tóc dài lòa xòa về phía sau.
Ban ngày, trong căn nhà một phòng chật hẹp ở phía tây Niu Đêli, Seema được gọi bằng cái tên đàn ông là Hardeep. Anh là người cha yêu quý của hai đứa con, 1 tuổi và 6 tuổi. Nhưng khi đêm xuống, Hardeep tới văn phòng của một tổ chức từ thiện ở địa phương, hóa trang thành Seema để bán mình trên con phố nằm bên dưới một cây cầu vượt đông đúc. Seema kiếm được khoảng 200 rupee (4 USD) cho mỗi lần phục vụ khách.
Seema chờ khách trên một con phố ở Niu Đêli. Ảnh: Internet |
Seema là một người đồng tính, trong số hàng trăm ngàn người có hoàn cảnh như vậy trên đất nước Ấn Độ. Họ thường xuyên bị lạm dụng và buộc phải hành nghề mại dâm vì không được pháp luật công nhận. “Tôi buộc phải làm nghề này vì còn phải lo cho gia đình của mình” - Seema đau khổ nói trong khi chỉnh lại chiếc khăn choàng màu đỏ sậm - “Chúng tôi phải làm vì chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Theo các nhà nghiên cứu, những người mang tính nữ trong thân xác đàn ông được gọi là “hijra”, đã bắt đầu xuất hiện từ rất xa xưa ở Nam Phi. Cuốn Kama Sutra (một cuốn sách Ấn Độ cổ viết bằng tiếng Phạn về cách ứng xử giới tính của con người), ra đời từ giữa thế kỷ 3 và 4 trước Công nguyên, đã nhắc đến “giới tính thứ ba”.
Thời đế chế Mughal vào thế kỷ 16 và 17, các hijra bị thiến (hoạn quan) rất được tôn trọng, được coi như những người thân tín của hoàng đế và thường được giao những công việc như phục vụ hay bảo vệ cho hoàng gia. Những công việc đó là niềm ao ước của nhiều người, đến mức nhiều bậc cha mẹ trong xã hội Ấn đã thiến con trai của mình để tìm kiếm cơ hội vào cung.
Mặc dù được trọng vọng từ nhiều thế kỷ trước, ngày nay các hijra đang phải sống gần như bên lề xã hội Ấn Độ và đối mặt với nhiều phân biệt đối xử về việc làm và các dịch vụ như y tế, giáo dục. Nhiều hijra phải hành nghề mại dâm hoặc tham gia các hội người ăn xin để kiếm sống. Có những người phải trơ mặt xin tiền những gia đình đang tổ chức đám cưới hoặc lễ mừng em bé chào đời, bởi người Ấn quan niệm, nếu không cho tiền họ, em bé mới sinh hay đôi vợ chồng mới cưới sẽ gặp xui xẻo.
“Các hijra là những người dễ phơi nhiễm HIV. Ngoài ra, họ còn bị đánh đập gần như hằng ngày”, Abhina Aher, thuộc tổ chức nhân quyền HIV/AIDS Alliance cho biết. Theo Tổ chức kiểm soát AIDS quốc gia của Ấn Độ (NACO), tỉ lệ nhiễm HIV trong những người chuyển giới cao gấp 20 lần mức trung bình của trong xã hội.
Những năm gần đây, Ấn Độ đã đạt được một số tiến bộ nhằm cải thiện tình trạng phân biệt đối xử với các hijra. 3 năm trước, luật cấm giới tính thứ ba có từ thời thực dân Anh đã bị bãi bỏ. Tại bang Tamil Nadu, người đồng tính cũng được tham gia hệ thống lương hưu hay học bổng giáo dục. Tuy vậy, những hijra như Seema vẫn cần nhiều hơn thế. “Nếu chính phủ muốn giúp, họ nên có nhiều hành động thiết thực để chúng tôi không bị phân biệt đối xử. Chúng tôi cũng là con người. Không phải chúng tôi, mà Chúa đã chọn chúng tôi như thế này”, Seema nói trong ánh mắt u buồn.
Thu Hằng