Theo cách tính tuổi truyền thống của Hàn Quốc, con người đã 1 tuổi ngay khi chào đời và họ sẽ bước sang tuổi mới vào ngày đầu năm mới bất kể ngày sinh nhật thực sự là khi nào. Hệ thống tuổi trên được sử dụng rộng rãi tại quốc gia Đông Á này, mặc dù các hồ sơ chính thức thường tuân theo tiêu chuẩn quốc tế bắt đầu từ 0 tuổi.
Làn sóng ủng hộ loại bỏ cách tính tuổi cũ đã được dư luận ủng hộ mạnh mẽ hơn kể từ tháng 1 năm nay, sau khi giới chức y tế Hàn Quốc sử dụng lẫn lộn hai hệ thống tuổi để tính tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19 và cấp hộ chiếu vaccine. Kết quả, một số người chưa đủ tuổi để tiêm vaccine nhưng vẫn bị yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng.
Báo Korea Herald dẫn lời ông Lee Yong-ho, người phụ trách các vấn đề chính trị, dịch vụ pháp lý và cộng đồng tại ủy ban chuyển giao quyền lực cho biết: “Nếu tuân theo hệ thống tuổi tác quốc tế, chúng ta sẽ hạn chế được các chi phí kinh tế và xã hội liên quan đến nhầm lẫn và bất tiện phát sinh từ cách tính tuổi chênh lệch”.
Ông Lee cho biết ủy ban sẽ sửa đổi Bộ luật Dân sự và một điều luật xử lý cách thức chính phủ điều hành các dịch vụ công để đưa hệ thống tuổi quốc tế trở thành tiêu chuẩn trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc.
Ông Lee nói thêm các điều luật cũng cần sửa đổi để phản ánh sự thay đổi mới nhất đối với các quy định quan trọng, chẳng hạn tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của nam giới hoặc tuổi vị thành niên để bảo vệ họ khỏi nạn lạm dụng.
Tháng 12/2021, HanKook Research đã lấy ý kiến khảo sát 1.000 người trưởng thành ở Hàn Quốc và 70% đã ủng hộ đề xuất thay đổi hệ thống tuổi cho hợp chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất này cần được Quốc hội thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.