Tuần hành ủng hộ chủ trương tiếp nhận người di cư tại Dresden, Đức ngày 29/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Patrick Artus, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis, chính sách “cởi mở” với người di cư là cơ hội thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của châu Âu. Trong khi đó, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Berenberg, ông Holger Schmieding ước tính làn sóng người nhập cư sẽ giúp GDP của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng 0,2% ngay trong sáu tháng cuối năm nay.
Nhà nghiên cứu Nancy Green tại Trường nghiên cứu chuyên sâu về khoa học xã hội ở Paris nhận định người nhập cư thường làm những công việc mà người bản xứ không muốn lựa chọn, như ngành may mặc hay sản xuất thép trong thế kỷ 19 - 20 hay lĩnh vực dịch vụ ngày nay.
Bên cạnh nghĩa vụ nhân đạo và những thách thức về hậu cần trước mắt, xét về khía cạnh kinh tế, chi phí để tiếp nhận người nhập cư đối với ngân sách quốc gia là tương đối nhỏ, theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Người di cư tại khu vực kiểm soát ở biên giới Áo - Hungary ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
OECD cho hay ảnh hưởng của việc tiếp nhận làn sóng người di cư đối với các nước OECD trong 50 năm qua ở mức trung bình “gần bằng 0”, cho thấy chi phí cũng như lợi ích của người nhập cư đối với ngân sách quốc gia hiếm khi vượt quá 0,5% GDP.
Trong khi đó, Jean - Christophe Dumont, chuyên gia về nhập cư của OECD, nhấn mạnh mở cửa chào đón người di cư là quyết định mang tính nhân đạo, và người nhập cư sẽ mất nhiều năm để tìm việc làm và có đóng góp cho nền kinh tế.
Làn sóng người nhập cư sẽ giúp GDP của Eurozone tăng 0,2% ngay trong sáu tháng cuối năm nay. |
Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu kinh tế Đức DIW công bố ngày 16/9, kinh tế Đức có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ dòng người nhập cư. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Đức năm 2016 sẽ tăng thêm 0,025% nhờ yếu tố này.
Nguyên nhân là do mức chi tiêu công gồm chi của chính phủ liên bang và chính quyền địa phương ở các bang sẽ gia tăng để tài trợ cho việc xây dựng chỗ ở, trường học và các dự án hội nhập mới. Bên cạnh đó, tiêu dùng tư nhân dự kiến cũng sẽ tăng bởi những người nhập cư sẽ phải dùng phần lớn khoản tiền được trợ cấp chi cho các nhu cầu cá nhân cơ bản.
Người đứng đầu Viện DIW Marcel Fratzscher cho rằng người nhập cư không nên được xem như gánh nặng kinh tế mà là “nguồn đầu tư”. Người di cư đang ngày càng có năng lực và trình độ cao, bởi những người nghèo thường không có khả năng di cư.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đánh giá cuộc khủng hoảng người di cư sẽ không tạo ra rủi ro cho xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia châu Âu, song làn sóng người lao động tiềm năng cũng không giúp giải quyết tình trạng nhân lực đang lão hóa của "lục địa già".\