Yaza đã trải qua cuộc hành trình hàng tháng trời ròng rã với nhiều hiểm nguy rình rập để chạy trốn khỏi Taliban và đặt chân đến Đức. Cậu bộc bạch: "Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để không bị phát điên".
Yaza ôm đồm nhiều công việc hơn ở khu tập trung dành cho người di cư để tay chân không thể “rảnh rỗi” như hỗ trợ phân phát thức ăn hoặc dựng giường ngủ. Những lúc nhàn rỗi, Yaza thường cuốn xì gà rồi tụ tập với nhóm bạn đồng cảnh ngộ, tâm sự hàn huyên về hành trình của họ, về những cửa khẩu họ đã đi qua và khoản tiền lớn mà họ phải chi trả cho những kẻ buôn người.
Người di cư tại một cơ sở thể thao ở Hanau, Đức. Ảnh: Reuters |
Hàng nghìn công dân Syria, Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác hiện vẫn nhẫn nại chờ đợi giới chức Đức thông qua đơn xin tị nạn của họ. Rất nhiều người có nguyện vọng được làm việc trở lại hoặc đi học nhưng lại gặp rào cản lớn, điển hình như Yaza, người đã đến Đức được 3 tháng, chia sẻ: "Tôi theo học chuyên ngành kinh tế tại Kabul nhưng tôi không thể làm việc tại đây cho đến khi nhận được thị thực cư trú dài hạn". Chính vì vậy những người nhập cư buộc phải tìm cách để lấp đầy thời gian rảnh rỗi.
Đằng sau phòng tập thể hình nơi Yaza sống, một nhóm thanh niên Iraq và Syria ngồi dưới chiếc lưới bóng rổ, nghe nhạc Arab hiện đại phát ra từ chiếc điện thoại di động. Còn Idriez (22 tuổi) người thành phố cảng Latakia ở phía tây Syria lại đang chật vật với ngữ pháp tiếng Đức phức tạp. Anh lẩm nhẩm "Der, die, das" rồi nhìn chằm chằm vào chiếc bảng trắng nơi các tình nguyện viên đã viết các dạng chia giới tính của mạo từ đó. Idriez thổ lộ: “Tôi muốn được quay trở lại trường học tại Đức nhưng tôi cần phải biết nói tiếng Đức trước”, rồi cậu lại vùi đầu vào cuốn "tiếng Đức cho người mới bắt đầu".
Ngày nào cũng vậy, nơi ở của Idriez và cũng là nhà của 1 người khác, bao trùm sự buồn tẻ lặp đi lặp lại, quẩn quanh trong chuỗi lịch trình bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Và bữa sáng, bữa trưa cũng chỉ xoay vòng với thực đơn gồm pho mát, bánh mì, dầu olive và trứng luộc. Đến buổi tối, một bữa ăn ấm áp hơn sẽ được phục vụ.
Trong khi trẻ em di cư thường được gửi đến trường nhanh chóng thì những nam nữ thanh niên thường phải đợi cả tháng trước khi họ bắt đầu lớp tiếng Đức. Trong một nhà thờ gần đó, các tình nguyện viên tổ chức lớp học vào thứ Hai và thứ Tư để trang bị cho những người mới đến tiếng Đức cơ bản. Trong thời gian còn lại, những người tị nạn phải sống ở một thế giới song song nhưng không hề có kết nối với xã hội Đức.
Nhà kinh tế học chuyên về các vấn đề nhập cư Thomas Liebig tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nêu rõ: "Quá trình hội nhập giống như các lớp học ngôn ngữ nên bắt đầu càng sớm càng tốt bởi đó là yếu tố quyết định liệu việc hòa nhập có thể thành công trong dài hạn".
Với 1,1 triệu người nhập cư mới đến chỉ trong năm 2015, giới chức Đức đang lúng túng trước một “đoạn ùn tắc lớn”. Trưởng văn phòng tị nạn Đức, ông Frank-Juergen Weise vào đầu tháng 2 thông báo có khoảng từ 300.000 đến 400.000 người vẫn đang chờ đợi để được đăng ký nhập cư ở nước này. Một vài người nhập cư cảm thấy bế tắc và cuối cùng đi đến quyết định là rời đi.
Kể từ tháng 9, khoảng 1.970 người di cư Iraq ở Đức đã phải lựa chọn quay trở về quê hương.