Theo trang Global Times, một phụ nữ họ Bai, 26 tuổi, đã kết hôn, ly hôn 17 lần và đã chuyển nhượng thành công 15 biển số xe thông qua các cuộc hôn nhân này. Một nghi phạm khác, họ Li, 37 tuổi, có hồ sơ 28 lần kết hôn và ly hôn để đổi lấy 23 biển số xe trong hai năm qua.
Trấn ấp hành vi đổi biển số xe trái phép là một trong số các mục tiêu trong chiến dịch đặc biệt do cảnh sát Bắc Kinh phát động, nhằm phơi bày tình trạng chuyển biển số trái phép thông qua hôn nhân. Kể từ ngày 30/10, cảnh sát đã thành lập các đơn vị truy quét toàn bộ nhóm tội phạm và các cơ quan bất hợp pháp có liên quan. Chỉ trong vòng 1 tuần, đã có tổng cộng 166 nghi phạm bị bắt giữ, 124 người trong số họ có liên quan đến việc lừa đảo lấy hoặc mua biển số xe Bắc Kinh kèm theo giấy đăng ký kết hôn, cảnh sát tiết lộ.
Tần suất kết hôn và ly hôn của hai người phụ nữ cho thấy cái nhìn sơ lược về thị trường biển số ô tô đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Đồng thời, điều này cũng làm nổi bật nhu cầu sở hữu ô tô của 21 triệu dân Bắc Kinh vốn đang bị hạn chế nghiêm ngặt.
Cư dân mạng xã hội đã vô cùng bất ngờ trước số lượng hôn nhân đáng kinh ngạc này. Nhiều người đề nghị chính quyền Bắc Kinh cần nới lỏng các chính sách cấp phép để thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Bắc Kinh - thành phố nổi tiếng với khói bụi mờ mịt và những con phố kẹt cứng xe cộ - đã đề ra một số quy định nghiêm ngặt về số lượng biển số xe. Do đó, giá biển số trên thị trường chợ đen thậm chí còn vượt xa giá xe hơi. Cứ mỗi biển số xe sẽ có khoảng 3.000 người “tranh giành”. Một trong những cách để có được biển số ô tô là đăng ký kết hôn giả, cho phép chuyển đổi quyền sở hữu.
Thủ đô của Trung Quốc cũng đã triển khai chương trình quay số vào năm 2011 để phân biển số một cách công bằng. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân ngày càng tăng, khiến cho thị trường chợ đen cũng như các mánh khóe lừa đảo phát triển mạnh, trong đó có kết hôn giả.
“Cò mồi” đóng vai ông mai hoặc bà mối. Người này sẽ giúp sắp đặt đám cưới giữa một tài xế đang cần biển số xe Bắc Kinh và một cá nhân đã có sẵn tấm biển này. Sau khi người sở hữu biển số xe sang tên cho người cần mua thành công, họ có thể ly hôn.
“Để sở hữu một biển số xe là rất khó, khó hơn cả việc trúng xổ số”, ông Lin Xiaoke, một người dân Bắc Kinh nói. Ông cho biết mình đã đi quay biển số xe 56 lần kể từ năm 2011 nhưng không có kết quả.
Một số người mê xe đến mức sẵn sàng trả 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng) cho một cuộc hôn nhân giả để có được biển số.
Những nỗ lực hạn chế cấp biển số xe và ô tô mới trên đường phố được coi là có mục đích quan trọng với thủ đô Bắc Kinh. Theo một nghiên cứu do Viện Ảnh hưởng Sức khỏe Mỹ thực hiện, ô nhiễm không khí đã dẫn đến 852.000 ca tử vong sớm ở Trung Quốc vào năm 2017.