Siti Khadijah Abdul Rahman, một nội trợ người Singapore, đã tích lũy được một số trang sức trị giá vài nghìn USD trong hơn hai chục năm qua. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng đắt đỏ đã khiến cô buộc phải đem số "mồ hôi, nước mắt" này đi cầm cố.
Nhân viên hiệu cầm đồ Moneymax sắp xếp lại nhẫn kim cương. |
Abdul Rahman cho biết nguồn thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào số lương 1.500 đô la Singapore (tương đương 1.211 USD) từ công việc bảo vệ của chồng, trong khi giá cả ngày càng leo thang, lại phải nuôi hai con nhỏ ăn học buộc cô phải tìm cách giảm bớt áp lực đè nặng lên chồng mình. Cô tâm sự, "khi khó khăn, đi vay cầm đồ tốt hơn là vay người thân hoặc bạn bè. Lúc nào có tiền, tôi sẽ chuộc lại chúng".
Abdul Rahman chỉ là một trong số rất nhiều người Singapore chọn giải pháp cầm đồ ngắn hạn để đối phó với tình hình giá cả leo thang hiện nay tại nơi mà tạp chí Tình báo kinh tế (Economist Intelligence Unit) xếp hạng thứ 6 trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Tình hình giá cả hàng hóa tăng chóng mặt cùng với nền kinh tế suy giảm đã làm gia tăng áp lực lên những hộ dân có thu nhập vừa và thấp. Đây lại là điều kiện thuận lợi để ngành dịch vụ cầm đồ tại Singapore phát triển rực rỡ.
Theo số liệu thống kê, các khoản vay cầm đồ năm 2012 đã tăng vọt lên mức 7,1 tỷ đô la Singapore, tăng 43%.
Theo số liệu chính thức, chi phí y tế đã tăng 3,9% trong năm 2012. Một tổ chức bảo vệ tiêu dùng cho biết giá trung bình một bát mỳ chả cá, món ăn chính của người Singapore, đã tăng tới 20%, lên mức 3 đô la.
Giá các nhóm thực phẩm cơ bản như gạo, thịt, rau và sữa đều đua nhau tăng. Một số căn hộ tập thể hiện có giá hơn 1 triệu đô la Singapore. Và sở hữu ô tô vẫn là giấc mơ xa vời đối với nhiều người do thuế cao và hạn ngạch đăng ký xe khắt khe.
Hiện có 3 hệ thống hiệu cầm đồ chính, với gần 200 cửa hiệu trên khắp quốc đảo 5,3 triệu dân này. Valuemax và Moneymax đã phát triển mạnh. Cả hai đều đang cạnh tranh khốc liệt với đối thủ đang lên Maxi-Cash. Lần đầu phát hành cổ phiếu vào tháng 6/2012, hệ thống này đã thu được 16,8 triệu đô la Singapore bất chấp thị trường chứng khoán chung vẫn yếu. Các chủ hiệu cầm đồ đều đang cố gắng tìm mọi cách loại bỏ cảm giác xấu hổ của khách hàng khi đem đồ đi "đặt".
Nhiều khách hàng trẻ tuổi và giàu có, từng dị ứng khi nghe đến hiệu cầm đồ, nay đã trở thành những khách hàng quan trọng khi ngành này nhận được sự ủng hộ từ những người nổi tiếng tại địa phương.
Một khách hàng giấu tên cho biết cầm đồ tiện hơn vì vay ở ngân hàng thủ tục giấy tờ thường lằng nhằng, mất thời gian và cũng không chắc chắn sẽ được vay một cách nhanh chóng.
Đồ vật mà khách hàng đem "cầm" sẽ được các chủ hiệu định giá. Các khoản vay thường được tính lãi 1,0% trong tháng đầu, các tháng tiếp theo sẽ là 1,5%.
Đồ bị "cầm" phải được chuộc lại trong vòng 6 tháng nếu không sẽ bị hóa giá, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Ngoài vàng, khách hàng còn đem "cầm" cả kim cương, đá quý và đồng hồ cổ.
Chính quyền Singapore, có tiếng là thân thiện với doanh nhân, cho biết họ vẫn theo dõi sát ngành công nghiệp đang phát triển như vũ bão này, với lo ngại rằng các khoản vay dễ dàng như vậy có thể trở thành nguồn cung cấp tài chính cho thị trường cờ bạc lớn thứ 3 thế giới của Singapore, chỉ sau Macao và Las Vegas.
Tháng 4 vừa rồi, Bộ Tư pháp Singapore cũng kêu gọi dân chúng góp ý vào dự thảo luật về quản lý hoạt động của các cửa hiệu cầm đồ nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực hoạt động này.
Tuy nhiên, theo ông Derek Da Cunha, một quan sát viên chính trị - xã hội địa phương, thì có lẽ chính quyền sẽ không áp đặt một biện pháp quyết liệt thực chất nào vì cầm đồ đã "ăn sâu, cắm rễ" vào đời sống xã hội Singapore, nơi người dân coi việc đi vay tiền là “chui đầu vào thòng lọng”.
Lê Hoàng (Theo AFP)