Tại "xứ sở sương mù" Anh quốc, ngày càng có nhiều người trẻ rời khỏi thủ đô London để tới các thành phố khác sinh sống.
Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) cho biết trong một năm tính đến tháng 6/2013, đã có 58.220 người trong độ tuổi từ 30 - 39 rời khỏi thủ đô - con số cao nhất kể từ khi có thống kê về mục này và tăng 10% so với năm 2010. Tính tổng thể, số lượng di cư khỏi thủ đô ở lứa tuổi nói trên trong thời gian này là gần 22.000 người, ngang với con số năm 2008 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu.
Birmingham trở thành điểm đến ưa thích cho những người trẻ rời bỏ London. |
Có nhiều lý do giải thích xu hướng "bỏ phố lớn về phố nhỏ" của giới trẻ London, trong đó giá nhà cao chót vót ở thủ đô chỉ là một trong các yếu tố. Theo công ty phân tích thị trường bất động sản Hometrack, chỉ tính riêng năm ngoái, giá nhà đất ở London đã tăng 19%. Giá trung bình một căn nhà ở London hiện nay là 402.800 (hơn 13 tỷ VND) bảng so với mức giá trung bình 186.700 bảng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng lý giải quyết định rời bỏ thủ đô của nhiều người trẻ. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chính nền kinh tế bùng nổ tại nhiều thành phố của Anh đang hấp dẫn những người có chuyên môn. "Những người trẻ ban đầu có thể bị hấp dẫn bởi công việc ở thủ đô, nhưng sau đó họ nhận ra rằng nếu muốn an cư lạc nghiệp, đang có những cơ hội chờ đón họ ở các thành phố khác", ông Ed Cox, Giám đốc tổ chức IPPR North đánh giá. "Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến thành quả của sự phục hồi, đặc biệt cho những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ cao đang được kiến tạo bên ngoài London".
Có rất nhiều cử nhân chọn trở lại để lập nghiệp ở thành phố nơi họ từng học đại học nhưng nay đã "thay da đổi thịt". Đây có thể là một trong những lý do khiến Birmingham trở thành điểm đến ưa thích cho những người trẻ rời bỏ thủ đô. Trong vòng một năm tính đến tháng 6/2013, thành phố này đã thu hút 5.480 người London đến định cư, xếp trên các thành phố khác như Bristol, Manchester, Nottingham và Oxford.
Sự nổi lên của Birmingham như một thành phố được ưa thích khiến nhiều người bất ngờ nhưng lại dễ lý giải. Từng một thời gian dài chịu thành kiến là thành phố xấu xí và lỗi thời, Birmingham đã chuyển mình mạnh mẽ và năm ngoái thu hút lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kỷ lục. Ông Neil Rami, Giám đốc điều hành chiến dịch "Tiếp thị Birmingham" cho biết: "Chúng tôi đang dỡ bỏ những khối bê tông của thập niên 60, cải tạo thành phố và nâng cấp các tuyến giao thông vận tải".
Ông Rami cũng nhấn mạnh rằng Birmingham không chỉ trở thành trung tâm toàn cầu về chế tạo tiên tiến mà còn đang thu hút các công ty hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số và thương mại điện tử. Không chỉ thế, thành phố này còn tự hào với các điểm nhấn văn hóa hấp dẫn như có tới 4 nhà hàng được gắn sao Michelin - nhiều nhất trong số các thành phố nằm ngoài thủ đô, có thư viện mới được mệnh danh là Không gian văn hóa công cộng lớn nhất châu Âu, có dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới và đoàn múa ballet tầm cỡ toàn cầu.
Tom Cullen, một nhà báo ngoài 30 tuổi, đã quyết định chuyển tới Birmingham năm ngoái cùng gia đình nhỏ của mình sau 12 năm làm việc cho một tạp chí ở London. Anh nói: "Tất cả những điều tốt đẹp xảy ra ở London 20 năm qua nay đang diễn ra ở đây. Thành phố này tươi mới hơn, sống động hơn và duyên dáng hơn thủ đô. Bạn có thể cảm nhận được nguồn cảm hứng và khát vọng của thành phố cũng như con người ở đây. Chất lượng sống cao hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn so với London, nơi giá nhà quả là khó với những gia đình trẻ như chúng tôi".
Trong khi đó, ông Cox cho rằng London sẽ vẫn tiếp tục là "thỏi nam châm" hút người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học nhưng sẽ có nhiều người không chọn nó là nơi thường trú. "Ban đầu họ có thể bị sự hào nhoáng của thủ đô cuốn hút", ông nói, "Nhưng khi những ánh đèn màu tắt đi, người ta sẽ nhớ tới chất lượng cuộc sống họ từng có ở những thành phố khác và quay trở lại với chúng".
Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại London)