Tuy nhiên, văn hóa biếu quà đã không còn giá trị đẹp đẽ vốn có. Nhiều người biếu quà để nịnh nọt, mưu cầu danh lợi. Ranh giới giữa thiện chí tặng quà để bày tỏ lòng biết ơn và hối lộ chỉ cách nhau gang tấc.
Để ngăn chặn nạn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật Kim Young-ran có hiệu lực từ 28/9. Luật mới được gọi theo tên bà Kim Young-ran, cựu Chủ tịch Ủy ban vì quyền lợi người dân, người đầu tiên đề xuất vào năm 2012. Theo luật, quan chức chính phủ sẽ bị phạt nếu như tham dự các bữa ăn có mức giá hơn 30.000 won/suất (khoảng 600.000 đồng), nhận các phần quà với giá trị từ 50.000 won hay tiền mặt từ 100.000 won. Luật cũng quy định nếu như nhận tặng phẩm vượt mức trần, bất kể món quà đó có liên quan đến công việc hay không, thì người nhận vẫn phải chịu mức án phạt nặng nhất lên tới 3 năm tù giam và khoản tiền 30 triệu won.
Giỏ thịt bò hảo hạng bày bán tại một cửa hàng ở Seoul có mức giá 520.000 won/giỏ. Ảnh: Yonhap |
Tuy nhiên, ngay từ khi còn là dự thảo, luật này đã bị các doanh nghiệp, nhà hàng, nông dân và ngư dân phản đối khi phần lớn lợi nhuận họ thu được đều từ các sản phẩm để làm quà tặng.
Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, luật mới có thể tác động tiêu cực tới tiêu dùng nội địa và kinh tế đất nước. Ông Lee Won-sup, Chủ tịch Hội Liên đoàn doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc ước tính sẽ mất 2,6 tỷ won mỗi năm vì luật này. Theo Viện Nghiên cứu Huyndai, luật chống tham nhũng mới có thể tác động tới 9% người lao động Hàn Quốc.
Seon Cheon, mở cửa từ năm 1969 tại quận du lịch Insadong (phía đông Seoul), là một trong những nhà hàng truyền thống Hàn Quốc được giới quan chức, nhà báo và thương gia ưa chuộng. Các suất ăn trong nhà hàng thường ở mức giá gần 50.000 won, cao hơn nhiều so với mức giá trần 30.000 won. Chủ nhà hàng, bà Park Young-kyu, chia sẻ: “Cửa hàng chúng tôi trong suốt nửa thế kỷ qua đã chuyên phục vụ suất ăn đặc biệt này. Vì vậy rất khó khăn khi phải thay đổi giá các món ăn của nhà hàng để phù hợp với mức trần của chính phủ. Thực đơn mới đã buộc phải thay đổi để khách hàng chọn món chính khoảng 12.000 won và thêm một, hai món phụ. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng đồ ăn vẫn còn là một bài toán nan giải trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các nhà hàng là cực kỳ cao, không kể đến tiền nhân công và nguyên liệu”.
Chủ của Chamsutgol - một nhà hàng thịt bò cao cấp khác ở Seoul - cũng phàn nàn về luật tham nhũng mới. Hơn một nửa khách hàng đến với Chamsutgol là vì công việc làm ăn và phần lớn đều dùng thẻ công ty để trả. Ông Kim Gi-bok - quản lí trưởng nhà hàng Chamsutgol - cho biết: “Chúng tôi dự tính doanh thu sẽ giảm mạnh trong tháng 10 tới vì phần lớn các món thịt bò trong nhà hàng đều ở mức giá trên 50.000 won. Chúng tôi đang xem xét sử dụng thịt bò nhập khẩu để chế biến món ăn, hạ xuống mức giá trần”.
Seon Cheon và Chamsutgol là hai trong số nhiều nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng do luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc. Theo Hiệp hội Ngành thực phẩm Hàn Quốc, luật mới sẽ làm doanh thu hệ thống nhà hàng tại quốc gia này thiệt hại 4.150 tỷ won chỉ trong năm đầu có hiệu lực. Ông Min Sang-hun, Phó Chủ tịch hiệp hội, nhận xét: “Mức trần 30.000 won không hợp lý. Với tình trạng lạm phát và tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tôi đề nghị nâng mức trần lên 50.000 won”.
Phản ứng trước làn sóng phản đối từ các nhà hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của công chúng để điều chỉnh trước khi luật có hiệu lực.