“Mục đích của chúng tôi là ủng hộ lời kêu gọi không lãng phí đồ ăn và khuyến khích khách hàng gọi món theo cách hợp lý và lành mạnh nhất”, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn bài đăng của nhà hàng Chuiyan Fried Beef tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo ngày 15/8.
Tài khoản cũng nói thêm nhà hàng “không bao giờ bắt buộc khách hàng đo cân nặng” song họ “thành thật xin lỗi” vì bất kỳ điều khó chịu nào nảy sinh từ chiến dịch này.
Sự việc bắt đầu từ ngày 13/8, khi đó nhân viên nhà hàng đã đặt hai chiếc cân bên ngoài cửa ra vào kèm theo bảng dữ liệu gợi ý gọi số lượng đồ ăn dựa vào cân nặng của mỗi thực khách.
Bảng hướng dẫn đề nghị những phụ nữ nào dưới 40 kg không nên đặt quá 2 món ăn, với các gợi ý như thịt bò xào và đầu cá hấp, trong khi những người đàn ông nặng từ 70 đến 80 kg có thể gọi đến 3 món.
Chương trình của nhà hàng diễn ra vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi thực trạng lãng phí thực phẩm của nước này là “sốc và đáng buồn”.
Bài đăng Weibo ngày 15/8 của nhà hàng đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 120 triệu lượt đọc.
“Có nhiều cách để tuyên truyền chiến dịch không lãng phí thực phẩm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhà hàng không cần phải sử dụng phương pháp gây chú ý thế này”, một tài khoản viết.
Tan Yan – Chủ tịch chuỗi nhà hàng Chuiyan Fried Beef – cho hay mặc dù khó chịu song vẫn có trên 1.000 nhóm khách thực hiện ý tưởng này.
“Hoạt động cân là tự nguyện. Nhiều thực khách nữ muốn đo cân nặng của bản thân, và cân nặng của mỗi người sẽ được gửi riêng tới điện thoại của họ, không hiển thị ngay ở bàn cân, nên nó không vi phạm quyền riêng tư”, bà Tan Yan trả lời phỏng vấn báo The Beijing News ngày 15/8.
Theo bà Yan, chiến dịch cân-trước-khi-gọi-món vẫn sẽ tiếp tục được triển khai, song nhà hàng đang tìm cách để cải thiện phương pháp, ví dụ như cung cấp “thêm thông tin về giá trị calo và dinh dưỡng của từng món ăn”.
Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi cắt giảm tình trạng lãng phí thực phẩm, nhiều nhà hàng, nền tảng trực tuyến và hiệp hội ngành trên toàn quốc đã có vô số cách thức phản ứng khác nhau.
Cụ thể, Hiệp hội Ngành Dịch vụ ăn uống Vũ Hán đã hối thúc các nhà hàng trong thành phố thực hiện hệ thống “N-1”, yêu cầu khách hàng đặt đồ giảm bớt một món so với số lượng người đến ăn. Hệ thống tương tự cũng được áp dụng cho một số thành phố khác tại Trung Quốc. Trong khi đó, giới chức ở tỉnh Liêu Ninh còn đề nghị chính sách “N-2” đối với nhóm khách ăn.
“Chúng ta nên tuyên truyền sự tiết kiệm và kết hợp việc ngăn chặn lãng phí thực phẩm vào toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và dịch vụ”, Hiệp hội Ngành Dịch vụ ăn uống Liêu Ninh cho biết trong một bài báo đăng trên tờ Liaoning Daily ngày 14/8.