Hàng thập kỷ qua, nhà ở xã hội là một chủ đề trọng tâm mà các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới luôn phải lao tâm khổ tứ. Từ Lagos cho đến London, từ các quốc gia nghèo cho đến các nền kinh tế phát triển, sự thiếu hụt nhà ở giá rẻ đã trở thành vấn đề phổ biến. Hiện nay, khoảng 330 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải sống trong các khu nhà ổ chuột hoặc phải chi số tiền quá lớn trong thu nhập của mình cho vấn đề “nơi ăn chốn ở”. Tới năm 2025, con số này thậm chí có thể tăng lên 440 triệu hộ gia đình, tức 1,6 tỷ người.
Sự phát triển của nhà ở xã hội có thể tạo ra các cơ hội đáng kể cho ngành xây dựng toàn cầu |
Theo nghiên cứu của Trung tâm kinh tế thuộc trường Đại học Havard (Mỹ), để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhiều quốc gia đang áp dụng đồng thời hoặc từng bước bốn chính sách: tìm kiếm nguồn quỹ đất có giá phải chăng, giảm chi phí vận hành và quản lý, áp dụng các quy trình xây dựng hiệu quả hơn và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho người mua nhà. Tuy nhiên, sự thành công của các chính sách này phụ thuộc rất lớn vào khả năng xây dựng mô hình nhà ở xã hội phù hợp ở mỗi thành phố, khi nhu cầu nhà ở tại các nền kinh tế đang phát triển hiện nay thường lớn hơn các quốc gia phát triển.Hàng thập kỷ qua, nhà ở xã hội là một chủ đề trọng tâm mà các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới luôn phải lao tâm khổ tứ. Từ Lagos cho đến London, từ các quốc gia nghèo cho đến các nền kinh tế phát triển, sự thiếu hụt nhà ở giá rẻ đã trở thành vấn đề phổ biến.
Tại Mỹ, với nền tảng vững chắc của thị trường bất động sản, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có đủ nguồn lực để xây dựng các dự án nhà ở quy mô lớn. Chính sách nhà ở của Mỹ gồm hai ưu tiên chính, một là khuyến khích các dự án nhà giá rẻ và hai là cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp để họ có cơ hội sở hữu nhà.
Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia châu Á, hệ thống phúc lợi xã hội còn yếu, cùng số lượng quá lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp. Khoảng cách giàu nghèo còn rất rõ và thậm chí đang gia tăng. Nhiều người có thu nhập thấp không đủ tiền mua trong bối cảnh giá bất động sản và nhà ở thương mại còn quá cao.
Nhận thức được điều này, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các chính sách nhà ở công cộng và thiết lập một hệ thống nhà ở theo “phong cách Trung Quốc”, gồm thị trường nhà ở thương mại (mở cửa cho người mua có tiềm lực tài chính và nhà phát triển bất động sản cá nhân) và thị trường nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Singapore là một ví dụ điển hình khác của khu vực châu Á với thành công trong phát triển nhà ở xã hội. Ngay từ những năm 1960, Chính phủ Singapore đã đề ra Kế hoạch sở hữu nhà ở nhằm giúp các nhóm người có thu nhập thấp được thuê hoặc mua nhà với giá rẻ. Mô hình nhà ở xã hội thu nhập thấp này hầu như đều do Nhà nước đảm nhận thông qua một cơ quan chuyên trách có tên gọi là Cơ quan phát triển nhà ở xã hội (HDB). HDB vừa có khả năng bảo đảm quỹ đất, nguyên liệu và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí song lại đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý đã giúp cho chương trình nhà ở xã hội của Singapore đi đúng lộ trình và đến được với người dân có nhu cầu thực sự.
Với chiến lược đúng đắn khi tiếp cận nhà ở chất lượng với giá phải chăng, chỉ trong vòng 10 năm Chính phủ Singapore đã giải quyết xong khủng hoảng nhà ở của mình. Hiện nay, khoảng 85% người dân Singapore sống trong các căn hộ do HDB xây dựng, so với con số 9% vào năm 1960. Ngày càng có nhiều người Singapore có nhà ở và sở hữu một ngôi nhà giá phải chăng không còn là giấc mơ ngoài tầm với của người dân nước này.