Nếu như không vào thời buổi khó khăn thế này, anh bán kem Antonio Siracusa chắc hẳn đã nhờ tới những người họ hàng của mình khi bị mất việc tại một rạp chiếu phim ở Rôma. Nhưng khủng hoảng kinh tế kéo dài đã không cho phép anh làm thế. Vì vậy Siracusa chọn giải pháp là một căng tin miễn phí do nhà thờ Thiên Chúa giáo ở quận Trastevere tổ chức để xin bữa tối, hay những gói thức ăn miễn phí cho những bữa khác.
Nhiều người nghèo khó ở Rôma đang trông cậy vào những bữa ăn miễn phí tại nhà thờ Sant’Egidio. |
“Tôi có hai chị em ruột, nhưng tôi không muốn nhờ vả họ vào lúc này”, Siracusa nói khi đứng xếp hàng chờ bữa tối từ thiện của nhà thờ Sant’Egidio. Anh giải thích rằng không muốn làm phiền người thân trong thời buổi kinh tế quá khó khăn thế này. “Cộng đồng ở đây là gia đình của tôi”, Siracusa nghẹn ngào.
Cuộc suy thoái nặng nề và tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng đã trút gánh nặng lên mọi người Italia và có thể đang hủy hoại cả vỏ bọc an sinh xã hội đáng tin cậy nhất, là gia đình. Các tổ chức từ thiện Thiên Chúa giáo cho biết, nhiều người Italia đang cảm thấy ngại ngùng khi phải nhờ đến người thân, những người cũng đang vật lộn với cuộc khủng hoảng hoặc đối mặt với hậu quả của ly hôn, một xu hướng đang diễn ra với tỉ lệ lớn gấp hai lần tại Italia kể từ năm 1995.
“An sinh xã hội tại Italia có gốc rễ là từ gia đình. Vấn đề hiện nay là các gia đình cũng đã trở nên quá tải trong cuộc khủng hoảng hiện nay”, Augusto D’Angelo, một nhân viên làm việc trong chương trình bữa ăn miễn phí của nhà thờ Sant’Egidio nói.
Italia chưa bao giờ áp dụng một hệ thống trợ cấp thất nghiệp toàn diện và cuộc khủng hoảng nợ đã buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu mạnh tay hơn nữa, trong đó có giảm lương, trợ cấp và tăng thuế, như một phần trong chính sách khắc khổ nhằm cân bằng lại nền tài chính quốc gia.
Trong bối cảnh đó, bất chấp sự giảm sút mạnh mẽ của các tín đồ đi lễ và các nhà hảo tâm, nhà thờ - vốn có ảnh hưởng rất lớn tại đất nước hình chiếc ủng - vẫn nỗ lực bù đắp cho những thiếu hụt từ gia đình và chính phủ. “Nếu anh tới tòa thị chính để xin giúp đỡ, chắc chắn sẽ có những phản ứng cứng nhắc. Nhưng nhà thờ thì có thể linh hoạt hơn”, D’Angelo nói và cho biết thêm, hiện nay, mỗi tối số người đến căng tin Trastevere đã tăng lên khoảng 200 - 250 người so với 100 - 150 người khoảng một năm trước.
Paride Santilli, một nhân viên quán bar thất nghiệp 27 tuổi, cho biết, anh đã nhờ tới cha xứ của mình khi cần một bữa ăn nóng, ít thuốc men hoặc một đôi giày. “Khi tới nhà thờ, họ không cho anh tiền, nhưng có thể giúp những thứ anh thực sự cần”, anh thanh niên chưa vợ nói với vẻ biết ơn.
Bà Maria, 77 tuổi, cũng bắt đầu đến căng tin Trastevere thường xuyên hơn sau khi chủ nhà tăng giá thuê phòng từ 250 euro lên 300 euro, tức là “đốt” mất hơn 3/4 thu nhập hằng tháng của bà. “Tôi phải đến nhiều nơi phát thực phẩm miễn phí ở khắp Rôma để ăn sáng, trưa và tối”, cụ bà đã nghỉ hưu mệt mỏi nói. Bà Maria cho biết, bà có họ hàng ở Turin, nhưng không muốn quấy rầy họ.
Hãng tin Reuters dẫn lời giáo sư tâm lý học Paolo Cruciani, thuộc trường Đại học La Sapienza, cho rằng, cuộc khủng hoảng đang gây thêm những lo lắng, bất ổn, giận dữ và căng thẳng trong các gia đình. “Phản ứng lý tưởng là các thành viên phải xích lại gần nhau hơn, nhưng chúng ta lại chứng kiến sự bùng nổ của xung đột, khi những người thân cáo buộc nhau không cung cấp đủ nhu cầu cho gia đình. Điều này có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng nội bộ, khi trẻ em mất tin tưởng ở cha mẹ, còn các ông bố bà mẹ thì căng thẳng vì sợ không lo được cho con cái”.
Thống kê cho thấy, số người sống trong cảnh hoàn toàn nghèo túng ở Italia, một đất nước khoảng 60 triệu dân, đã tăng lên 3,4 triệu người trong năm 2011, tương đương 5,7% dân số so với 5,2% của năm 2010. Những người sống trong cảnh tương đối nghèo so với tiêu chuẩn của Italia cũng lên tới 8,2 triệu, chiếm 13,6%. Trong khi đó, với những gia đình không có người làm viên chức hoặc hưởng lương hưu, thì tỉ lệ nghèo tăng vọt từ 40% lên 51%.
Thu Hằng