Với việc trở thành tập đoàn công nghệ mới nhất đưa ra bản báo cáo về độ đa dạng của đội ngũ nhân viên, Apple đã cho thấy - cũng như những cái tên lớn trước đó như Google, Facebook, Twitter… - phần lớn lực lượng lao động của “trái táo cắn dở” là nam giới và là người da trắng.Nhân viên tại trụ sở của Apple. |
Trong bản báo cáo này, Apple cho biết trong số 98.000 lao động trên toàn thế giới của tập đoàn này, bao gồm các vị trí không yêu cầu kĩ thuật cũng như các vị trí làm việc tại các cửa hàng Apple, có 70% là nam giới. Chỉ 28% đội ngũ lãnh đạo của Apple trên toàn cầu là phụ nữ. Và chỉ có 20% lực lượng lao động ở các vị trí kĩ thuật trên toàn cầu của Apple là nữ giới.
Các vị trí kĩ thuật phần lớn là các chức danh kĩ sư trong khi các vị trí không yêu cầu kĩ thuật là các công việc marketing và quan hệ công chúng, tài nguyên con người, bán hàng cùng những vị trí khác. Đây là những vị trí không yêu cầu kĩ năng khoa học máy tính hoặc lập trình.
“Với tư cách là một giám đốc điều hành, tôi không hài lòng với những con số trong bản báo cáo này. Đây không phải là chuyện gì mới với chúng tôi, và trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã tìm cách để cải thiện tình hình”, ông Tim Cook nói.
Apple luôn là một tập đoàn dẫn đầu về sự thẳng thắn trong những phát biểu và tuyên ngôn liên quan đến sự đa dạng của đội ngũ nhân viên kể từ khi ông Tim Cook tiếp nhận vị trí giám đốc điều hành của Steve Jobs, người đồng sáng lập quá cố của Apple, gần 3 năm trước. Tập đoàn này đã hô vang khẩu hiệu: “Kết hợp tạo cảm hứng cho sáng tạo”.
Tháng 10/2012, vị giám đốc điều hành này đã đề bạt ông Eddy Cue, một người Mỹ gốc Cuba, vào đội ngũ giám đốc điều hành của Apple, đồng thời tuyển dụng bà Angela Ahrendts giám sát hệ thống các cửa hàng bán lẻ và kinh doanh trực tuyến. Bà Sue Wagner cũng được bổ sung vào ban giám đốc của Apple. Nhưng ngay cả với những động thái này, 72% lãnh đạo của Apple vẫn là nam giới.
Ở các vị trí không yêu cầu kĩ thuật, Apple có vẻ nhỉnh hơn các đối thủ trong việc sử dụng lao động da đen và gốc Tây Ban Nha. Điều này được lí giải là nhờ các vị trí bán hàng với số lượng lên đến hàng ngàn tại 427 cửa hàng trên thế giới, bao gồm 254 địa điểm tại Mỹ.
Hồi tháng 6, Facebook cho biết trên toàn thế giới tập đoàn này có 69% lao động là nam giới, 57% lực lượng lao động ở Mỹ là người da trắng, 34% là người châu Á, 4% người gốc Tây Ban Nha và 2% người da đen.
Trước đó 1 tháng, Google tiết lộ có 70% lao động là nam giới với 61% lao động là người da trắng, 30% người châu Á, 3% người gốc Tây Ban Nha và 2% người da đen.
Theo cơ quan thống kê dữ liệu kinh tế và con người Mỹ của hệ thống thống kê liên bang nước này Census Bureau, 63% dân số của Mỹ là người da trắng, 17% là người gốc Tây Ban Nha, 13% người Mỹ gốc Phi và 5% người châu Á. Phụ nữ chiếm 49% lực lượng lao động. |
Về vấn đề khan hiếm lao động là phụ nữ, người da đen và người gốc Tây Ban Nha ở những vị trí lập trình và kĩ sư, các giám đốc điều hành kĩ thuật thông thường lí giải là do lỗi trong hệ thống giáo dục Mỹ. Chính vì vậy, Apple, Google và các công ty khác đang có những biện pháp hỗ trợ tài chính để hướng các đối tượng này đến với toán học và khoa học ở các trường trung học.
Apple gần đây đã cam kết khoản tiền 100 triệu USD để cải thiện công nghệ tại các trường học khó khăn. Apple đồng thời còn là nhà tài trợ cho Chiến dịch quyền con người, một tổ chức dẫn đầu về quyền lợi của người đồng tính. Cá nhân ông Tim Cook cũng cho hay ủng hộ các biện pháp bảo vệ nơi làm việc dành cho cộng đồng LGBT. Trên tài khoản cá nhân Twitter trong hai tháng qua, ông Tim Cook cũng tích cực củng cố thông điệp của mình bằng những ngôn từ ủng hộ quyền của người đồng tính trong lực lượng lao động.
“Cá nhân tôi, trong thời gian làm việc tại Apple, luôn chú trọng vào sự kết hợp và đa dạng, và điều này nằm trong những ưu tiên hàng đầu của tôi với tư cách là một giám đốc điều hành”, ông Tim Cook nói. |
Trong những tháng gần đây, sự chú ý đổ dồn vào đội ngũ lao động tại thung lũng Silicon, với việc Google, Facebook, Twitter, Apple lần đầu tiên tiết lộ những con số thống kê về lực lượng lao động của các tập đoàn công nghệ này.
55% nhân viên của Apple tại Mỹ là người da trắng và người da trắng chiếm 64% các vị trí lãnh đạo. Người châu Á chiếm 15% trong công ty, người gốc Tây Ban Nha chiếm 11% và người da đen là 7%.
Các thông số về độ đa dạng của đội ngũ nhân viên Apple nổi bật lên bởi có đến hơn 41.000 nhân viên của Apple làm việc tại các cửa hàng của hãng, và phần lớn trong số đó được trả lương theo giờ. Trong khi đó, các đối thủ của Apple có một tỉ lệ lao động cao hơn làm việc ở các vị trí kĩ thuật.
Việc Apple cũng như các tên tuổi khác như Google, Yahoo, Facebook, Twitter, Linkedln… sử dụng chủ yếu nam giới da trắng và châu Á cho các vị trí kĩ thuật có lương cao góp phần làm tăng quan điểm cho rằng sự bùng nổ kinh tế của thung lũng Silicon đang loại trừ phần lớn sự tham gia của phụ nữ, người da đen và người gốc Tây Ban Nha.
Marianne Cooper, một nhà xã hội học tại Viện Clayman của trường đại học Stanford cho rằng, việc thiếu hụt lực lượng lao động nữ và nhóm người khác đạt chuẩn cho các vị trí kĩ thuật lí giải một phần sự ưu tiên dành cho nam giới da trắng và châu Á trong ngày công nghiệp này. Bà cho rằng các công ty công nghệ vẫn chưa làm hết sức để thu hút phụ nữ và các nhóm người khác cũng như biến cho lĩnh vực này trở nên rộng mở hơn.
Anh Tiếu (
Tổng hợp)