Nhật Bản mạnh tay "quảng cáo hình ảnh"

Trong lúc Mỹ và châu Âu đang "bóp mồm, bóp miệng" để vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế thì Nhật Bản lại tỏ ra hào phóng một cách bất ngờ khi đầu tư mạnh tay vào quảng bá văn hóa.


 

Các thí sinh tham gia Đại hội Cosplay Thế giới tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản ngày 5/8/2012.

 

Thượng viện Nhật Bản tháng 6 vừa qua đã phê chuẩn việc thành lập quỹ quảng bá và phát triển văn hóa ra nước ngoài trong vòng 20 năm, với kinh phí lên đến 500 triệu USD. Theo đó, một chiến dịch phối hợp đa ngành, gọi là Cool Japan, đã được phát động nhằm đưa những sản phẩm, ngành nghề, kỹ thuật tinh túy nhất trên khắp các vùng miền của “đất nước Mặt trời mọc” ra thế giới.


Theo tính toán của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), việc đầu tư chắc chắn sẽ đem lại lợi ích về nhiều mặt và chiến dịch này sẽ "hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ hàng hóa".


Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Năm 1998, chính phủ Hàn Quốc đầu tư 500 triệu USD vào quỹ phát triển văn hóa. Chỉ 15 năm sau, các ca sĩ dòng nhạc pop của nước này đã nhanh chóng thống trị các bảng xếp hạng châu Á. Các chương trình truyền hình và phim ảnh của Hàn Quốc cũng trở nên đắt hàng nhất khu vực. Thậm chí, các sản phẩm của Hàn Quốc với hình ảnh hiện đại, trẻ trung và thời trang, như điện thoại Samsung hay ô tô Hyundai, đã gặt hái được nhiều thành công trên toàn thế giới.


Seiji Horibuchi, một doanh nghiệp Nhật Bản tiên phong trong chiến lược quảng bá văn hóa toàn cầu, cho biết: "Hàn Quốc đã dự báo được khá rõ về sức lan tỏa toàn cầu từ những sản phẩm giải trí của mình". Theo ông Horibuchi, “Nhật Bản hoàn toàn có thể học theo mô hình rất thành công này của Hàn Quốc".


Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao Tokyo lại "theo chân" Seoul, bởi Nhật Bản cũng có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới như sushi, các bộ phim của Hayao Miyazaki hay trò chơi "cosplay" (nhập vai). Câu trả lời, theo Thời báo Nhật Bản, là việc xuất khẩu văn hóa của Nhật Bản chỉ mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu tính liên tục và không có hệ thống. Nguyên nhân sâu xa là do các công ty nhận thức được tầm quan trọng về việc phát triển hình ảnh, đa số lại là những công ty quy mô vừa hoặc nhỏ, không đủ năng lực để xây dựng mạng lưới với quy mô toàn cầu. Chính vì vậy, việc triển khai chiến dịch Cool Japan là rất kịp thời và ý nghĩa, dù ý tưởng không mới.


Thật ra, từ lâu Nhật Bản đã rất mong muốn thúc đẩy việc quảng bá văn hóa dân gian đương đại ra bên ngoài. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tranh luận rất nhiều về vấn đề "quyền lực mềm", một khái niệm hình thành từ cuối những năm 70 chỉ sức mạnh về văn hóa, sản phẩm và địa chính trị của một quốc gia.


Nhiều năm qua, các nỗ lực nhằm phát triển văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài đã tỏ ra khá “vụng về”. Năm 2008, chính phủ Nhật Bản đã chọn "đại sứ hoạt hình" là chú mèo máy Doremon màu xanh. Mặc dù rất được khán giả trong nước ưa chuộng, nhưng các bộ phim về Doremon chưa bao giờ được chiếu tại các nước nói tiếng Anh.


Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang nỗ lực khắc phục điều này. "Chiến dịch này giống như là một sự đầu tư mạo hiểm", Chizuru Suga - quan chức quỹ Cool Japan - nói. Theo quan chức này, việc hỗ trợ thương hiệu Nhật Bản trước đây chỉ được giao cho các nhà sản xuất công nghiệp lạc hậu và không nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ nhưng “giờ chúng tôi có đội ngũ cán bộ trẻ, có tầm nhìn và sự ủng hộ về kinh tế. Chúng tôi đã nghiên cứu về việc thành lập quỹ từ năm 2010 và cho rằng đã đúng khi xây dựng danh tiếng Nhật Bản để bán hàng Nhật Bản”.


Lê Hoàng (theo T.W)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN