Công nhân di chuyển các túi nilon chứa đất nhiễm phóng xạ. Ảnh: Reuters |
RT dẫn nguồn Kyodo News đưa tin, một ủy ban cố vấn của Bộ Môi trường Nhật bản ngày 27/3 đề nghị tái sử dụng đất bị nhiễm độc trong quá trình xảy ra sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima năm 2011 cho mục đích làm đất chôn nền tại các công trình công cộng trong tương lai.
Theo Mainichi Shimbun, trong bản đề nghị này, ủy ban môi trường đã tránh công khai sử dụng từ “công viên” và dùng từ “không gian xanh” với lí giải nhằm tránh tạo ra sự phản đối trong dư luận do lo ngại nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ còn sót lại từ loại đất đã được khử độc.
Tuy nhiên, Bộ Môi trường Nhật Bản đã làm rõ rằng “các công viên được bao gồm trong không gian xanh”.
Ngoài việc khử độc đất và tái sử dụng đất cho các công viên mới, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng nhấn mạnh nhu cầu tạo ra một tổ chức mới nhận nhiệm vụ thuyết phục được dư luận đồng tình với các hoạt động tái sử dụng như trên.
Để trấn an dư luận, ủy ban trên cũng cho biết đất đã được khử độc sẽ được sử dụng ở xa các khu vực dân cư và sẽ được bao phủ bằng nhiều lớp cây xanh để đáp ứng tiêu chí đã được chính phủ thông qua hồi năm ngoái.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Môi trường Nhật Bản đã quyết định tái sử dụng đất nhiễm độc có nồng độ phóng xạ cesium từ 5.000 – 8.000 becquerel/kg cho các công trình công cộng như đường quốc gia hay bờ kè.
Theo quy định của chính phủ, hiện nay có thể mở rộng việc sử dụng đất cho mục đích làm công viên, đất nhiễm độc sẽ được chôn dưới đất sạch, bê tông hoặc các loại vật liệu khác. Theo chính phủ, các khu đất như vậy sẽ không gây hại cho khu dân cư xung quanh sau khi công trình hoàn thành.
Nhà máy điện năng lượng hạt nhân Fukushima Daiichi gặp sự cố rò rỉ phóng xạ hồi tháng 3/2011 sau thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến 160.000 người rời bỏ nhà cửa.
Ba trong số 6 lò phản ứng của nhà máy bị tan chảy khiến thảm họa hạt nhân Fukushima trở thành thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.