Nhật Bản - “Vương quốc” của những người yêu sách

Cách đây không lâu, khi hẹn phỏng vấn một chuyên gia bình luận thời sự người Nhật Bản, tôi cảm thấy băn khoăn vì không biết nên chuẩn bị món quà gì thật ý nghĩa để tặng ông nhân lần đầu gặp gỡ. Người Nhật vốn rất kỹ tính và cầu kỳ trong giao tiếp, nên tôi lo ngại món quà của mình nếu không vừa ý có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của buổi phỏng vấn.


Đang trong lúc rối trí thì một người bạn đang học tập và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm đã gợi ý cho tôi là nên tặng ông ấy một cuốn sách. Tôi đã làm theo lời khuyên của bạn. Quả thật, cuộc phỏng vấn đã thành công ngoài ý muốn. Sau này, khi hỏi lý do vì sao bạn tôi khuyên như vậy, cô ấy nói rằng người Nhật yêu mến tri thức và những giá trị tinh thần nên đối với họ, những món quà dù có đắt tiền đến đâu cũng không thể sánh được với một cuốn sách hay.


Bề dày về văn hóa đọc


Nhật Bản là đất nước có chặng đường lịch sử dài với nhiều cuộc chuyển mình thần kỳ. Công cuộc “văn minh khai hóa”, “thoát Á - nhập Âu” dưới thời đại Minh Trị Duy Tân (18) đã đưa nước Nhật từ một quốc gia phong kiến đứng trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc ngoại bang trở thành cường quốc có trình độ phát triển về khoa học kỹ thuật và kinh tế sánh ngang với phương Tây.

 

Hai cô gái đang chăm chú đọc những cuốn sách mini trong thời gian chờ tàu.


Tuy là quốc gia bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng Nhật Bản đã đứng dậy trên đống tro tàn và một lần nữa dân tộc này lại lập nên kỳ tích trong giai đoạn phát triển thần kỳ (1960 - 1973) mà đỉnh cao là kỳ Thế vận hội mùa hè năm 1964. Động lực cho sự hồi sinh đến kinh ngạc của Nhật Bản không gì khác hơn là đội ngũ trí thức hùng hậu mà đất nước này đã có được từ nhiều thế kỷ theo học phương Tây. Có thể nói, thái độ cầu thị, khiêm nhường và tinh thần ham học hỏi vốn có của người Nhật đã mang lại cho họ một phương tiện vô cùng hiệu quả để tái thiết và dựng xây đất nước - đó là tri thức.


Điều khiến tôi khâm phục hơn cả là văn hóa đọc đã tồn tại ở Nhật Bản từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ 17, số lượng người biết đọc biết viết ở Nhật Bản đã ở mức cao so với các quốc gia khác đương thời. Trong giai đoạn Genroku (18 - 1704), được coi là thời kỳ phát triển cực thịnh của mạc phủ Tokugawa (1600 - 18), Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại với sự xuất hiện của nhiều nhà xuất bản lớn và các nhà văn tên tuổi. Lượng xuất bản trung bình là hơn 10.000 bản, một con số thực sự ấn tượng ở thời kỳ này. Trong giai đoạn này, do nhu cầu đọc sách tăng mạnh trong khi lượng phát hành không đủ, phong trào “thuê sách đọc” trở nên thịnh hành ở các thành phố lớn của Nhật Bản.

 

Sau giờ làm việc, nhiều người thường rẽ vào các hiệu sách để “đọc ké” hoặc tìm mua một cuốn sách ưng ý.


Cuối thế kỷ 18, các cửa hàng cho thuê sách xuất hiện khắp nơi ở Edo (Tokyo ngày nay). Dân số của Edo khoảng hơn 1 triệu nhưng có tới 70% người dân biết chữ và số lượng các cửa hiệu cho thuê sách tăng khá nhanh, từ 650 cửa hiệu năm 1808 lên con số 800 năm 1832. Bước vào thời kỳ Minh Trị, sách đã trở thành phương tiện quan trọng để truyền bá tri thức Tây học và duy tân tới tất cả người dân, góp phần làm gia tăng đội ngũ trí thức vốn đã chiếm một số lượng đông đảo cùng một nền tảng văn hóa đọc vững chắc được hình thành từ thời kỳ mạc phủ Tokugawa.


Ở đâu cũng có “tín đồ” của sách


Với bề dày về văn hóa đọc như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ở bất cứ đâu trên đất nước “Mặt trời mọc” như công viên, quán cà phê, tàu điện, sân ga, bến đỗ xe buýt, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (combini)... bạn đều có thể bắt gặp những người ở mọi độ tuổi đang cầm trên tay một quyển sách và say sưa đọc.


Trong xã hội công nghiệp hối hả như Nhật Bản, thời gian làm việc và nghỉ ngơi được tính sát đến từng phút và khó có thể tin nổi là ai đó có thể dành thì giờ vàng ngọc của mình để nghiền ngẫm một vấn đề, thu thập thông tin hay hòa mình vào một cuốn tiểu thuyết nào đó qua từng trang sách. Thế nhưng, điều tưởng chừng như phi lý ấy lại đang tồn tại hàng ngày ở Nhật Bản.


Người Nhật sẽ đọc sách vào lúc nào khi mà hầu như tất cả thời gian trong ngày của họ bị phủ kín bởi công việc và các hoạt động sống? Câu trả lời là họ tận dụng những khoảng thời gian trống để đọc sách. Người ta đã tận dụng tối đa những khoảng thời gian đi lại trên các phương tiện giao thông như trên tàu điện, trên xe buýt hay khi phải xếp hàng dài để mua một món đồ gì đó... Chẳng có gì là lạ nếu bạn bắt gặp cảnh tượng trên một toa tàu ở Tokyo mà các hành khách đều im lặng bởi nhiều người trong số họ đang mải đọc một cuốn sách, một tờ báo, sử dụng smartphone hay thậm chí tranh thủ chợp mắt sau những giờ làm việc căng thẳng.


Do phải thường xuyên đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và tranh thủ thời gian trống cho thói quen đọc sách, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo. Các cuốn sách nhỏ này có cỡ chữ vừa đủ để đọc trong khi các trang giấy được gia công mỏng tới mức một cuốn vài trăm trang cũng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.


Bên cạnh sách in, người Nhật cũng tiếp cận với văn hóa đọc qua nhiều phương tiện như smartphone, máy tính bảng, sách điện tử e-book... Thay vì mang một quyển sách vướng víu, người đọc chỉ cần cài đặt một ứng dụng đọc sách trên điện thoại hoặc sắm sách điện tử là có thể tìm đọc bất kỳ cuốn nào trong kho sách số hóa hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cuốn.


Tuy nhiên, dù công nghệ có phát triển đến đâu, sách in ở Nhật Bản vẫn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Những cuốn sách mới đương nhiên là thu hút nhiều bạn đọc nhưng sách cũ lại càng được trân trọng hơn. Đó là lý do mà khu phố Kanda Jimbocho gần ngôi đền Yasukuni được biết đến như là “Thủ đô sách” của Nhật Bản. Với diện tích chỉ nửa cây số vuông, Kanda Jimbocho là nơi tụ hội của 160 tiệm sách và có tới hơn 10 triệu đầu sách. Đây là chợ sách lớn nhất thế giới xét về mật độ tập trung của các hiệu sách, số đầu sách và nội dung của sách. Nhiều người đã đến từ khắp nơi ở Nhật Bản hy vọng tìm thấy một quyển sách và các “tín đồ” của văn hóa đọc sẵn sàng đứng xếp hàng vài giờ đồng hồ trước một tiệm sách chỉ để mua một cuốn sách mà họ yêu thích.


Người Nhật luôn trân trọng tri thức, nâng niu những gì thuộc về quá khứ và những cuốn sách cũ dù đã sờn gáy vẫn luôn được xếp trang trọng và ngay ngắn trên giá tại những tiệm sách như ở khu Kanda Jimbocho. Và quả thật chẳng ngoa khi gọi Nhật Bản là “vương quốc” của những người yêu mến văn hóa đọc.


Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN