Sau vụ nổ thiên thạch kinh hoàng ở Chelyabinsk (Nga) làm hơn 1.200 người bị thương, nhiều người dân ở Cuba và bang California (Mỹ) cũng thông báo đã chứng kiến những quả cầu lửa tương tự nhưng nhỏ hơn quả ở Nga bay qua bầu trời.
2012 DA14 là thiên thể lớn nhất bay sượt qua Trái Đất ngày 15/2/2013 ở khoảng cách gần hơn cả một số vệ tinh nhân tạo. |
Vài giờ sau vụ nổ thiên thạch ở Nga, ngày 16/2, một tia sáng bất thường trên bầu trời khu vực vịnh San Francisco đã khiến nhiều cư dân bang California, Mỹ, hoảng hốt. Tuy nhiên, dựa trên 35 báo cáo mà Hội Nghiên cứu Thiên thạch Mỹ nhận được, những tia sáng lạ trên bầu trời phía bắc California là một cơn mưa sao băng rời rạc không nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại thị trấn Rodas, miền trung Cuba, cư dân cho biết vào tối 12/2 họ nhìn thấy "vệt sáng trên bầu trời và sau đó là một quả cầu lửa lớn, lớn hơn mặt trời". Vụ nổ đã làm "cả ngôi nhà của tôi rung chuyển", một người dân địa phương cho biết trong đoạn clip được phát trên trang mạng CubaSi.
Những sự việc nói trên không phải là lớn, thậm chí được cho là “xảy ra hằng đêm, trên khắp thế giới", tuy nhiên, chúng cũng làm tăng thêm sự chú ý trong bối cảnh sao băng và thiên thạch đã trở thành một chủ đề nóng kể từ sau vụ nổ thiên thạch kinh hoàng tại Nga. Các khối thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái Đất khoảng 5 - 10 lần/năm, nhưng khả năng xảy ra một vụ nổ thiên thạch như đã khiến 1.200 người bị thương ở tỉnh Chelyabin, Nga hôm 15/2 là rất hiếm hoi. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1908 (khi một thiên thạch nổ tung trên khu vực sông Tunguska ở Siberia (Nga), san phẳng một khu vực không dân cư rộng 2.137 km), thế giới mới lại chứng kiến một vụ nổ thiên thạch lớn như vậy.
Hình ảnh vụ nổ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk, Nga. |
Theo dữ liệu mới được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, kích thước ước tính của thiên thạch nói trên trước khi rơi vào bầu khí quyển Trái Đất là 17 m (thay vì 15 m như tính toán trước đó) và nặng khoảng 10.000 tấn. Năng lượng giải phóng từ vụ nổ này, theo tính toán mới, là 500 kiloton (chứ không phải 300 kiloton như ước tính ban đầu), tương đương khoảng 30 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima năm 1945.
Tảng thiên thạch lao vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ 70.000 km/giờ, và sau 32,5 giây đã nổ tung ở độ cao khoảng 15 dặm so với mặt đất. Vụ nổ đã phát ra một làn sóng xung chấn thổi bay hầu hết cửa sổ kính ở Chelyabinsk trong 2 phút rưỡi sau đó, khiến hơn 1.000 cư dân bị thương. Ước tính vụ nổ này gây thiệt hại cho Nga khoảng 1 tỷ rúp (30 triệu USD).
Một ngày sau vụ nổ tại Chelyabin, hôm 16/2, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đề xuất xây dựng một hệ thống phòng vệ chung của Trái Đất nhằm đối phó với những mối đe dọa từ vũ trụ. Viết trên mạng xã hội Twitter, ông Rogozin cho rằng "nhân loại cần phải xây dựng một hệ thống nhằm phát hiện và vô hiệu hóa những vật thể gây nguy hiểm cho Trái Đất", đồng thời cho biết ông sẽ đề xuất với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cách thức ứng phó với những hiện tượng tương tự trong tương lai.
Các chuyên gia Nga cũng ủng hộ việc xây dựng một hệ thống giám sát và cảnh báo các mối đe dọa chung từ vũ trụ. Theo ông Vitaly Davydov, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), chiến lược phòng thủ hành tinh cần phải được ưu tiên hàng đầu đối với Nga, đồng thời kêu gọi xây dựng chương trình liên bang đặc biệt về vô hiệu hóa các mối đe dọa từ vũ trụ.
Sự kiện nổ thiên thạch gây thiệt hại ở Nga diễn ra trong bối cảnh các nhà khoa học vũ trụ thế giới đang tập trung cao độ theo dõi đường đi của tiểu hành tinh 2012 DA14. Thiên thể có đường kính 50 m này đã bay sượt qua Trái Đất ngay sau vụ nổ ở Chelyabin và là thiên thể lớn nhất từ trước tới nay bay ở khoảng cách gần nhất so với “hành tinh xanh”. 2012 DA14 đã bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách 27.000 km, tức là còn gần hơn rất nhiều các vệ tinh thời tiết và viễn thông đang quay quanh quỹ đạo hành tinh của chúng ta (các vệ tinh địa tĩnh thường bay ở độ cao gần 36.000 km so với mặt đất), nhưng rất may không có nguy cơ va chạm hay tác động nào.
Thu Hằng (tổng hợp)