Những 'góa phụ trắng' Italy trong cơn khủng hoảng tài chính

Cách đây 6 tháng, Giuseppe Campaniello, một thợ nề người Italy, đã viết vài dòng tuyệt mệnh cho vợ đằng sau tờ thuế, sau đó tẩm xăng và tự thiêu bên ngoài văn phòng thuế ở Bologna. Anh chết sau đó 9 ngày.


Các “góa phụ trắng” mang ảnh của nạn nhân khủng hoảng kinh tế Giuseppe Campaniello biểu tình trên đường phố Bologna hồi tháng 3. Ảnh: Internet


Tại thành phố Naples, ngày 24/4, nhân viên giao dịch bất động sản Diego Peduto 52 tuổi gieo mình từ ban công và chết sau khi nhận được hóa đơn thuế mà ông không thể trả.


Ngày 29/4 ở Nuoro, thành phố Sardinia, một doanh nhân làm ăn thua lỗ đã kết liễu đời mình sau khi buộc phải sa thải hai đứa con trai.


Ngày 30/4, ông Giovanni Caccavale 59 tuổi treo cổ trong nhà riêng sau khi mất việc còn nhà bị tịch thu.


...


Vợ góa của anh Giuseppe Campaniello, cô Tiziana, cho biết, chồng cô là người tốt nhưng không có cơ hội cứu thoát mình, không thể trả được thuế.


Cô Tiziana đã cùng với những phụ nữ khác cũng có chồng tự tử thành lập một nhóm gọi là Vedove Bianche (Góa phụ trắng). Nhóm này được lập ra với thông điệp rằng, trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài này, cái giá phải trả không thể tính toán trên một tờ thuế.


Những góa phụ trắng ở Italy là ví dụ gần nhất cho thấy những thiệt hại tinh thần vô hình mà cuộc khủng hoảng nợ công và các biện pháp thắt chặt chi tiêu gây ra cho người dân châu Âu.


Nửa đầu năm 2011, tỷ lệ tự tử ở Hy Lạp tăng vọt hơn 40% so với năm trước đó. Ở Anh – nước không thuộc khu vực đồng euro nhưng nền kinh tế cũng đang chật vật, các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2010 có thể đã khiến hơn 1.000 người tìm đến cái chết.


Italy, nền kinh tế thứ ba khu vực đồng euro vốn phải đối mặt với áp lực thị trường sau khi chi phí đi vay tăng lên mức nguy hiểm, cũng đang trải qua làn sóng tự tử vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng giống Hy Lạp. Nhiều thập kỷ qua, nhiều người Italy thường tìm cách không phải nộp toàn bộ thuế. Nhưng trong cơn khủng hoảng tài chính này, cơ quan thuế ngày càng trở nên khắt khe hơn trong tính và thu thuế.


Thuế cao, khó khăn tài chính đã đẩy nhiều người đến con đường cùng. Dù số liệu chưa thể thống kê chính xác nhưng một hiệp hội doanh nghiệp nhỏ Italy cho rằng tự tử do khó khăn kinh tế tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm.


Một doanh nhân tên là Mario Frasacco 59 tuổi ở thủ đô Rome đã bắn vào ngực hồi tháng 4. Nhà máy ông làm chủ phải đóng cửa, 10 công nhân ngồi chơi xơi nước.


Con gái của ông Frasacco, Giorgia, làm việc cùng bố và biết rằng bố đang gặp khó khăn tài chính. Nhưng cô không hề thấy ông có một chút dấu hiệu nào về ý định tự tử. Cô kể lại: “Ngày trước khi bố tôi tự tử, tôi đã chào bố như thường lệ trước khi về nhà. Tôi không thấy trong mắt ông có gì bất an dẫn ông tới hành động này. Sau 5 tháng, tôi cũng không thể lý giải được những gì ông đã làm”.


Đối với những người còn cầm cự được, người ta giận dữ vì chính phủ cố gắng tăng thuế, giảm chi tiêu, bất chấp cái giá phải trả bằng mạng sống người dân.


Sau cái chết của chồng, Tiziana bị bỏ lại bơ vơ với hai vấn đề phải đối mặt về mặt tinh thần và tài chính.


Cô tỏ ra bi quan: “Ai sẽ thuê tôi làm việc? Ai? Tôi có thể đi đâu? Hay là tôi đi làm gái điếm? Đó là con đường họ đang đẩy chúng tôi vào. Hay là tôi tự tử cho hết chuyện để chính phủ bớt đi một vấn đề?”



Thùy Dương

Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng tỷ lệ tự tử
Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng tỷ lệ tự tử

Kết quả nghiên cứu về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu và tình trạng hạn hán tại Australia (Ôxtrâylia) cho thấy, tỷ lệ tự tử có thể tăng từ 8% -15% trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN