Những “nạn nhân” của biến đổi khí hậu

Theo báo cáo vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố, trong thời gian từ năm 2001-2010, thế giới đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng thấy và các kỷ lục nhiệt độ quốc gia bị phá vỡ trong khoảng thời gian đó nhiều hơn bất cứ thập niên nào khác.


 

Lũ lụt có thể khiến 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới thiệt hại tới 1.000 tỷ USD vào năm 2050.

 

Với tựa đề “Khí hậu Toàn cầu Năm 2001-2010: Một Thập niên của Khí hậu Cực đoan”, báo cáo khẳng định thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 có nhiệt độ cao nhất ở các khu vực bán cầu, trên đất liền và các đại dương kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi nhiệt độ trên trái đất từ năm 1850. Trong 10 năm qua, thế giới phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy nhiệt đới làm hơn 370.000 người chết, tăng 20% thương vong so với thập niên trước.


Trong 10 năm qua đã xảy ra hơn 500 trận lốc xoáy nhiệt đới, làm chết gần 170.000 người, ảnh hưởng đến hơn 250 triệu người khác.

Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở các nước Đông Âu, Ấn Độ, châu Phi và Australia. Đặc biệt các trận lũ lụt năm 2010 ở Pakistan làm 2.000 người thiệt mạng và 20 triệu người khác bị ảnh hưởng. Nhưng các đợt hạn hán ảnh hưởng đến con người lớn hơn các loại thảm họa thiên nhiên khác do quy mô rộng lớn và bản chất kéo dài của chúng. Một số đợt hạn hán kéo dài ở Australia, Đông Phi và lưu vực sông Amazon đã gây nên những tác động tiêu cực cho môi trường và sản lượng ngũ cốc.


Bên cạnh việc phân tích nhiệt độ toàn cầu và khu vực, báo cáo cũng cho biết nồng độ khí cácbon đioxit trong khí quyển trên toàn cầu tăng khoảng 39%, nồng độ nitơ ôxit tăng 20% và nồng độ khí mêtan tăng hơn ba lần kể từ khi thế giới bắt đầu bước sang kỷ nguyên công nghiệp năm 1750.


Nguy cơ với các thành phố ven biển


Trong khi đó, theo báo cáo khoa học được đăng tải trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên số ra ngày 18/8, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt có thể khiến 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới thiệt hại tới 1.000 tỷ USD (tương đương với 750 tỷ euro) vào năm 2050, nếu không có các biện pháp bảo vệ ngay lập tức.


Theo báo cáo này, hiện nay, mức thiệt hại từ hiện tượng trên đối với các thành phố ven biển là khoảng 6 tỷ USD/năm, trong đó riêng 3 thành phố của Mỹ gồm Miami, New York, New Orleans và Quảng Châu của Trung Quốc, đã chịu 43% tổng thiệt hại.


Sau khi tính đến khả năng các thành phố tăng cường hệ thống bảo vệ nhằm hạn chế các rủi ro lũ lụt, nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng đến năm 2050, tổn thất do lũ lụt gây ra cho các thành phố ven biển sẽ tăng gấp 9 lần, lên tới 52 tỷ USD/năm. Còn nếu tính thêm các tác động của tình trạng nước biển dâng cao và sụt lún do biến đổi khí hậu, con số này sẽ từ 60-63 tỷ USD/năm.


Trong trường hợp các thành phố không áp dụng biện pháp tăng cường bảo vệ trước nguy cơ lũ lụt, mức thiệt hại trung bình dự tính đến năm 2050 là vô cùng lớn, có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD/năm. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất khi mức thiệt hại này tương đương một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 của Iran.


Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ) - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN