Nơi khai sinh đồng hồ Mỹ “Made in Nepal”

Trong một xưởng làm việc hiện đại và thoáng mát ở khu mua sắm thời thượng Kathmandu, nơi giới lắm tiền nhiều của ở Nepal hường xuyên lui tới, hai thợ thủ công lành nghề đang chăm chú lắp ráp những chiếc đồng hồ đắt tiền.


Xưởng làm đồng hồ Kobold ở Nepal. Ảnh: AFP/TTXVN


Quả thật, đối với Namgel và Thundu Sherpa, công việc làm đồng hồ đòi hỏi sự tỉ mẩn và chính xác từng li từng tí thật khác xa với công việc trước đây của họ, khi họ vẫn còn là những người dẫn đường cho khách leo núi Hymalaya.


Nghề dẫn đường đầy hiểm nguy đã tình cờ dẫn họ đến một bước ngoặt trong đời sau một lần làm “guide” cho nhà phiêu lưu người Anh, Ngài Ranulph Fiennes và Michael Kobold, nhà sáng lập công ty đồng hồ Kobold có trụ sở ở Mỹ khi Kobold, thực hiện cuộc chinh phục đỉnh Everest cùng với vợ, Anita, năm 2010.


"Namgel đã hai lần cứu đời tôi", Kobold nói khi kể lại người dẫn đường này đã sửa chiếc bình khí ôxy cho anh khi họ đang ở “vành đai tử thần” gần đỉnh Everest như thế nào.


Trên đường xuống núi, Namgel lại một lần nữa can thiệp kịp thời để ngăn chặn một người leo núi khác đang trên đường đi lên tháo chiếc móc treo của Kobold khỏi ranh giới an toàn khi họ vượt qua một rìa núi hẹp.


Hiểm nguy vẫn chưa hết bởi khi họ xuống đến Trại Hai thì Anita bị bất tỉnh và ngừng thở. “Lúc đó một bác sĩ tuyên bố vợ tôi đã chết”, Kobold kể lại. “Nhưng với sự giúp đỡ của bác sĩ cùng Namgel và Thundu, chúng tôi đã đưa cô ấy trở lại cuộc sống vài phút sau đó. Đến hôm nay sức khoẻ của cô ấy hoàn toàn tuyệt vời là nhờ họ đã có phản ứng kịp thời”.


Để thể hiện sự biết ơn đối với hai người dẫn đường, Kobold đã gợi ý với Ngài Fiennes về việc mang đến cho Namgel và Thundu một công việc an toàn hơn.


Năm 2008, Fiennes từng chứng kiến hai người dẫn đường này xem Kobold lắp ráp một chiếc đồng hồ ở Trại Căn cứ Everest với sự chăm chú đầy phấn khích. Và thế là một ý tưởng nảy đến với ông, rằng Mike có thể dạy họ làm đồng hồ.


Kobold đưa Namgel và Thundu tới nước Mỹ, nuôi họ trong một năm ngay tại gia đình anh ở Pittsburgh và dạy họ làm ra những chiếc đồng hồ xa xỉ “Made in Nepal” đầu tiên.


Những chiếc đồng hồ mới hiệu Nepal có thành phần từ đá trên đỉnh Everest có giá bán lẻ lên tới 16.500 USD.


Nhớ lại thời kỳ đầu sang Mỹ, hai người leo núi kể lại họ đã trải qua một năm “thách thức” thế nào khi ngoài nỗi nhớ gia đình quay quắt, họ còn phải dốc sức học kiến thức làm đồng hồ cho một khoá học 2 năm chỉ trong 10 tháng.


“Học làm đồng hồ ở Mỹ ban đầu rất khó bởi vì với một chiếc đồng hồ cơ, tất cả mọi thứ đều phẩi hoàn hảo”. Namgel, 27 tuổi, nói. “Nhưng nghề dẫn đường leo núi còn vất vả hơn nhiều. Chúng tôi phải mang vác rất nhiều thứ và không dám dùng khí ôxi cho tới khi lên đến độ cao 8.000 mét. Mọi người thường nói rằng chúng tôi phải có trái tim và bộ phổi cực khoẻ thì mới chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt đó. Bởi thế mà chúng tôi cố gắng học nghề làm đồng hồ với hy vọng thay đổi cuộc đời”.


"Tôi có một con gái và Thundu có hai con trai. Gia đình chúng tôi luôn luôn lo lắng về nghề dẫn đường leo núi của chúng tôi bởi nó quá nguy hiểm”, anh Namgel kể. “Chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn bởi vì giờ đây chúng tôi không phải leo núi nữa. Tôi yêu thích leo núi nhưng tôi mừng vì gia đình mình không còn phải thót tim trước mỗi chuyến đi của tôi nữa”.


Các linh kiện cho những chiếc đồng hồ “Made in Nepal” này vẫn sẽ được chuyển từ Mỹ sang nhưng việc lắp ráp được thực hiện hoàn toàn tại ráp tại Nêpan. Namgel và Thundu sẽ vẫn sử dụng nhãn hiệu Kobold nhưng xưởng đồng hồ ở thủ đô Cátmanđu hoàn toàn thuộc sở hữu của họ - họ cũng không bị đánh thuế nhượng quyền thương hiệu và được giữ toàn bộ lợi nhuận.


Kobold ước tính rằng hai người chỉ cần bán được 2 chiếc đồng hồ mỗi tháng là kiếm đủ tiền tiết kiệm để dần dần có thể đưa doanh nghiệp của họ đến chỗ có thể sản xuất linh kiện đồng hồ ngay tại Nepal. Nhà doanh nghiệp Mỹ 33 tuổi này tin rằng cuộc sống đầy áp lực và rủi ro của người dẫn đường leo núi Hymalaya đã mang lại lợi thế cho Namgel và Thundu trong nghề nghiệp mới của họ. Anh nhận xét: “Họ là những thợ làm đồng hồ siêu việt bởi đôi tay họ chắc chắn một cách hoàn hảo. Đây hiển nhiên là một lợi thế đáng kể khi lắp ráp đồng hồ cơ bao gồm hàng trăm linh kiện tí hon”.



Đỗ Sinh (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN