Nỗi thống khổ của động vật tại sở thú

Một con hổ bơi bì bõm trong hồ nước để giải nhiệt cơ thể trong cái nắng oi ả của buổi sáng mùa hè. Học sinh tiểu học đi đi lại lại dưới tán cây và xem những con vượn đang chuyền từ cành này sang cành kia.

Mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ ở vườn thú Surabaya, vườn thú lâu đời nhất Inđônêxia và từng là vườn thú ấn tượng nhất. Nhưng khi nhìn kỹ, người ta mới thấy thảm cảnh thực sự của vườn thú này.

Khuất tầm mắt của người thăm vườn thú, lũ hổ bị nhốt trong những chiếc chuồng chật hẹp, tối tăm. Hầu như chẳng còn chỗ nào cho toàn bộ 15 con hổ đi lại nên mỗi lần người ta chỉ thả ra một con để cho khách thăm ngắm nghía.


Một con hổ ốm yếu nằm vật trong chuồng. Ảnh: Internet


Ở một góc, con hổ cái Sumatra tên là Betina ốm đến mức nó không thể nuốt được thức ăn. Góc kia là chỗ của một con hổ trắng gầy còm khác tên là Santi. Người trông coi sở thú lâu năm, ông Tony Sumampau, nói: “Bạn thấy đấy. Những con hổ này chẳng bao giờ ra ngoài trong cả đời chúng. Chúng rất gầy yếu”.

Ở khu vực khác, một con bồ nông đang âu yếm đứa con của mình trong một bãi quây có tới 160 con. Lũ bồ nông phải chen chúc trong nơi ở chật hẹp, chúng hầu như chỉ có đủ không gian để đứng và vươn cánh.

Khu vực nhốt bồ nông chật chội. Ảnh: Internet


Vài con khỉ và chim được nhốt gần nhau ở khu vực từng là nơi cách ly của sở thú. Ở đây, người ta trông thấy một con vẹt đuôi dài lông màu sáng nhưng nó chẳng còn lấy một cọng lông ở ngực. Theo ông Samampau, con vẹt này đã buồn bực vì bị nhốt đến mức nó đã tự nhổ hết lông của mình.


Con vẹt này đã tự nhổ trụi lông ngực vì không chịu được cảnh nuôi nhốt. Ảnh: Internet


Góc khác, một con voi con đang giật giật sợi xích quấn quanh chân nó trong một khu vực bao quanh là tường bê tông tù túng.

Dưới sự ủy quyền của chính phủ Inđônêxia, ông Sumampau phụ trách một nhóm nhân viên tạm thời có nhiệm vụ cải thiện điều kiện sở thú từ khi chính phủ Inđônêxia giành quyền kiểm soát sở thú này từ tư nhân năm 2010. Ông dành hai ngày mỗi tuần để dạy các nhân viên sở thú cách chăm sóc những động vật đã bị nhốt trong môi trường sống tù túng, bẩn thỉu quá lâu.

Trước khi ông Sumampau về sở thú này, cứ mỗi tháng có khoảng 25 trong tổng số 4.000 động vật của sở thú chết, nhiều con chết yểu, chết vì bệnh tật và không được chăm sóc. Trong số đó đó một con báo – quà tặng của Tổng thống Nam Phi. Con báo này bị một con hổ cắn đứt chân và đã không sống nổi. Ông Sumampau nhấn mạnh mới những nhân viên sở thú rằng không bao giờ được nhốt báo và hổ chung chuồng. Ông giải thích: “Tôi cho rằng đây là sở thú duy nhất tôi từng được biết xảy ra tình trạng báo đánh nhau với hổ. Tình trạng này không bao giờ xảy ra trong tự nhiên”.

Kể từ khi nhóm nhân viên mới do ông Sumampau chỉ huy bắt đầu làm việc, tình trạng sở thú có vẻ khá dần lên. Giờ chỉ khoảng 15 con chết mỗi tháng, trong đó có con hươu cao cổ cuối cùng của sở thú. Khám nghiệm con vật xấu số cho thấy con hưu cao cổ này đã ăn một lượng lớn nhựa. Người ta tìm thấy khoảng 18 kg nhựa trong bụng nó, phần lớn là túi nhựa đựng thức ăn. Theo ông Sumampau, đây không phải là con vật duy nhất chết vì ăn phải rác lọt vào nơi nuôi nhốt.

Điều kiện vệ sinh bẩn thỉu và phối giống không kiểm soát cũng là những thách thức lớn của sở thú. Ông Lutvi Achmad, giám đốc Trung tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tỉnh Đông Java và là người làm việc với ông Sumampau, cho hãng tin CNN biết: “Tình trạng quá nhiều thú đã tiếp diễn quá lâu, dẫn đến tình trạng giao phối bừa bãi và đây sẽ không phải là điều tốt cho sở thú Surabaya”.

Vấn đề lớn nhất mà ông Sumampau đề cập là thiếu hiểu biết về bảo tồn và chăm sóc động vật. Ông đang huấn luyện cho 70 nhân viên sở thú nhưng luôn gặp phải sự phản đối từ những người đã từng làm việc trong sở thú lâu năm, thậm chí hàng chục năm.

Không chỉ thế, lãnh đạo sở thú thay đổi liên tục và lục đục nội bộ cũng khiến sở thú lâm vào tình trạng trì trệ hiện nay. Để thay đổi điều đó, ông Sumampau đã chỉ định bà Sri Pentawati, một nhân viên sở thú, làm giám đốc mới. Bà Pentawati đã cùng với ông Sumampau đem lại một làn gió mới cho sở thú.

Họ tiến hành sửa sang chuồng trại để thú sống dễ chịu hơn. Tuy nhiên, họ mới chỉ làm được từng đó vì không có kinh phí. Giá vé thăm sở thú 2 USD/lượt chỉ đủ trả tiền thức ăn và hoạt động sở thú. Ông Samampau đang đề xuất kế hoạch hiện đại hóa sở thú nhưng chính quyền địa ơhương và Bộ Lâm nghiệp Inđônêxia chưa đồng ý.

Ông Sumampau nói: “Chúng tôi cần tất cả mọi người chia sẻ quan điểm là phải chăm sóc tốt cho động vật của sở thú. Đó là điều quan trọng nhất. Ta phải để một số động vật không cứu chữa nổi chết một cách nhẹ nhàng hoặc thả một số vào tự nhiên. Cần phải làm điều này và cần phải có kinh phí để xây dựng lại sở thú toàn diện”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN