Nông nghiệp và rào cản phân biệt giới

Báo cáo chung mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định rằng, luật sở hữu đất đai và lao động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được cải cách để phụ nữ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng với vai trò là người nông dân và công nhân sản xuất lương thực.

 

Nhiều phụ nữ ở nông thôn châu Á bị phân biệt đối xử về giới tính. Ảnh: Internet

 

Lourdes Adriano - người phụ trách Thực hành nông nghiệp, An ninh lương thực và Phát triển nông thôn thuộc Ban Phát triển khu vực và bền vững tại ADB - cho biết việc loại bỏ các rào cản đối với phụ nữ trong hoạt động sản xuất lương thực tại các nhà máy, nông trại và đồng ruộng có thể được tiến hành mà không tốn kém. Ông Adriano cho rằng chỉ cần trả lương xứng đáng cho phụ nữ, xóa bỏ sự phân biệt về giới trong những chương trình về nông cụ, phân bón, tín dụng, quyền sở hữu và sử dụng đất... sẽ tạo ra một hiệu ứng cấp số nhân trong lĩnh vực an ninh lương thực và giảm nghèo.


Báo cáo, mang tên "Bình đẳng giới và An ninh lương thực - Trao quyền cho Phụ nữ như công cụ chống nghèo đói" của LHQ đã có cái nhìn sâu sắc về vai trò của phụ nữ trong sản xuất lương thực, cung cấp dinh dưỡng, và tiếp cận lương thực trong khu vực, và các bước cần thiết để loại bỏ các rào cản mà họ phải đối mặt. Báo cáo cho biết, khoảng 60% người suy dinh dưỡng trên thế giới là phụ nữ hoặc trẻ em gái. Các dữ liệu cho thấy tạo điều kiện cho họ tiếp cận với giáo dục và việc làm sẽ có tác động lớn vào việc giảm đói nghèo và cải thiện sức khỏe và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, thực tế hiện nay phụ nữ bị hạn chế quyền lợi về sở hữu đất đai hoặc tiếp cận các dịch vụ tư vấn nông nghiệp và tín dụng, chưa nói đến tình trạng phụ nữ thiệt thòi về giáo dục, đã cản trở tiềm năng đóng góp của phụ nữ trong hoạt động sản xuất cũng như ngăn cản họ có một mức thu nhập khá hơn.


Xóa bỏ sự phân biệt về giới tính trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, tín dụng, máy móc... có thể giúp khoảng 100 triệu người châu Á thoát khỏi đói nghèo.

Một nghiên cứu của FAO ước tính rằng xóa bỏ sự phân biệt về giới tính trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, tín dụng, máy móc, hóa chất... có thể giúp san bằng sự chênh lệch về năng suất 20 - 30% giữa phụ nữ và nam giới hiện nay, qua đó giúp tăng sản lượng nông nghiệp trong nước từ 2,5% đến 4%. Điều này đồng nghĩa với việc châu Á sẽ đưa được khoảng 100 triệu người thoát khỏi cuộc sống đói nghèo.


Nghiên cứu cho rằng, ngay cả những phụ nữ ở nông thôn làm việc trong những ngành nghề phi nông nghiệp, không đòi hỏi nhiều kỹ năng, cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về giới tính, điển hình là tiền lương thấp.


Để giải quyết những vấn đề này, báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần dỡ bỏ các điều luật và quy định mang tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là quyền sở hữu về đất đai; tiến hành thúc đẩy bình đẳng giới trong nông nghiệp và thị trường lao động; sửa đổi các chính sách về giáo dục và việc làm bất lợi đối với nữ giới.


Báo cáo cũng cho rằng chiến lược an ninh lương thực cần được phát triển theo hướng cải thiện quyền của phụ nữ trong chăm sóc trẻ em, xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân, phát triển các dịch vụ tín dụng và nông nghiệp. Các chương trình bảo trợ xã hội, chẳng hạn trong lĩnh vực việc làm, cũng nên được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của phụ nữ.


Kim Dung

Phụ nữ Pakistan và nỗi đau axít
Phụ nữ Pakistan và nỗi đau axít

Pakistan là một trong những nước tình trạng bạo hành với phụ nữ diễn ra phổ biến. Trong số các hình thức bạo lực, đáng sợ nhất, có lẽ là việc bị tạt axít. Mỗi năm tại quốc gia Nam Á này, người ta có thể thống kê được hàng trăm vụ tạt axít, để lại nỗi đau dai dẳng suốt đời cho nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN