Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển và bờ biển tại Malaysia - Annette Jaya Ram đã phát hiện nước biển có màu hồng ở thị trấn Teluk Bahang, bang Penang vào 11 giờ sáng 27/8.
Trước đó vào tháng 4, tờ The Star đã đưa tin về hiện tượng nước biển tại Penang có màu hồng. Các nhà khoa học cho rằng tảo biển Noctiluca scintillans là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Noctiluca scintillans không độc nhưng có chứa ammonia khiến cá tránh xa. Loài tảo này cũng không phải là mối đe dọa đối với sinh vật biển.
Bà Annette nhận định hiện tượng hôm 27/8 cũng do loài tảo này gây ra. Bà chia sẻ: “Chúng tôi đã làm xét nghiệm ban đầu và sinh vật đặc biệt này có lượng ammonia khá cao. Các loài cá không ưa điều này và sẽ cố tránh xa”.
Bà Annette tin rằng hiện tượng này không kéo dài và thường biến mất trong một hoặc hai này.
Bà Annette Jaya Ram lý giải: “Hiện tượng này phụ thuộc vào thời tiết và gần đây có mưa. Hiện mưa đã ngừng và tảo biển xuất hiện. Chất dinh dưỡng đi vào biển từ các cơn mưa. Tảo hoặc sinh vật phù du phát triển mạnh nhờ điều đó và do vậy bạn chứng kiến cảnh này”.
Nước biển màu hồng này không gây hại cho con người và hải sản đánh bắt quanh Penang vẫn an toàn để tiêu thụ.
Hiện tượng thường xảy ra khi thời tiết nóng bức kéo dài và sau đó đột ngột diễn ra mưa lớn đưa lượng lớn dinh dưỡng vào biển cả.